Khác với tàu vũ trụ sử dụng một lần truyền thống, tàu vũ trụ mới của CASTC sẽ bay trên bầu trời như các loại máy bay thông thường. Loại tàu này có thể chuyên chở người và hàng hóa vào quỹ đạo, sau đó quay trở về Trái Đất.
Tàu vũ trụ mới này dựa trên nguyên lý hoạt động của tàu con thoi, động cơ đẩy được phát triển từ động cơ tên lửa. Dự kiến loại tàu này có thể sử dụng trên 20 lần và có khả năng thực hiện các chuyến bay hàng ngày. Chi phí sản xuất loại tàu này bằng 1/5 giá thành tàu vũ trụ hiện nay và thậm chí còn giảm xuống 1/10 trong tương lai.
CASTC khẳng định công tác bảo trì đối với tàu vũ trụ tái sử dụng sẽ dễ dàng hơn, đồng thời loại tàu này có thể giúp nâng cao được tần suất phóng với chi phí thấp hơn, qua đó mang lại thêm nhiều cơ hội mới để đưa thêm nhiều người du hành vào vũ trụ.
Trước đó, hồi tháng 4-2017, Trung Quốc đã phóng thành công tàu Thiên Chu-1 - tàu vũ trụ chở hàng đầu tiên của nước này, lên quỹ đạo, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh xây dựng một trạm vũ trụ trước năm 2022.
Trung Quốc thực hiện phóng tàu vũ trụ vận tải đầu tiên Thiên Chu-1
Thiên Chu-1 có trọng lượng cất cánh là 13 tấn, chở được tới 6 tấn hàng và có thể ở trong không gian 3 tháng.
Trên quỹ đạo, tàu Thiên Chu-1 kết nối với phòng thí nghiệm của trạm Thiên Cung để vận chuyển nhu yếu phẩm cho các nhà du hành làm việc trên trạm này, tiếp nhiên liệu và tiến hành một số thử nghiệm khác, trước khi trở lại mặt đất.
Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ thường trực tồn tại ít nhất 10 năm trên quỹ đạo, và việc phóng thành công tàu chở hàng Thiên Chu-1 có ý nghĩa quan trọng để duy trì hoạt động của trạm vũ trụ này.