Trung Quốc sẽ phải hối hận vì đã đặt mua Su-35S?

Bạch Dương |

Trong vòng loại để chọn máy bay và đội bay đại diện cho Không quân Nga tham dự cuộc thi Aviadarts 2016, Su-30SM đã xuất sắc đánh bại Su-35S.

Vòng loại cuộc thi Aviadarts 2016 vừa được tổ chức tại trung tâm thử nghiệm bay Chauda trên bán đảo Crimea, với sự tham gia của 59 đội bay đến từ các đơn vị thuộc Không quân, Lục quân và Không quân Hải quân Nga.

Phần thi chiến đấu cơ có sự góp mặt của hầu hết các dòng máy bay hiện đại nhất đang phục vụ trong Quân đội Nga như Su-35S, Su-30SM, MiG-29SMT, Su-27... Bảng xếp hạng cuối cùng là Su-30SM đã giành ngôi quán quân, Su-35S giữ vị trí á quân còn hạng ba thuộc về MiG-29SMT.

Đây là điều gây bất ngờ lớn vì theo những số liệu kỹ thuật công khai thì Su-35S vẫn được đánh giá vượt trội, nhờ sở hữu radar N035 Irbis có hiệu suất cao hơn N011M BARS của Su-30SM, đi kèm với động cơ kiểm soát vector lực đẩy ba chiều (3D TVC) AL-41F1S cho khả năng vận động linh hoạt hơn loại 2D TVC AL-31FN lắp trên Su-30SM.

Do điều khiển máy bay đều là những phi công hàng đầu, hầu như không có sự chênh lệch về trình độ, cho nên kết quả trên chỉ có thể lý giải rằng không giống như quảng cáo, Su-30SM mới là chiến đấu cơ số 1 hiện nay của Nga

Trung Quốc sẽ phải hối hận vì đã đặt mua Su-35S? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30SM, quán quân vòng loại cuộc thi Aviadarts 2016 của Không quân Nga

Theo kế hoạch, Không quân Trung Quốc (PLAAF) có thể nhận được những chiếc tiêm kích Su-35S đầu tiên ngay trong năm 2016, họ tự tin cho rằng với loại tiêm kích thế hệ 4++ này, PLAAF sẽ tạo lập ưu thế áp đảo trước Su-30MKI, Su-30MKM hay Su-30MK2... của các quốc gia trong khu vực.

Phía Nga đồng thời cho rằng để không bị tụt hậu, Việt Nam, Ấn Độ... cũng nên sớm đặt mua Su-35S để tránh bị thất thế trước người láng giềng hùng mạnh. Tuy nhiên mọi việc lại đang không diễn ra như những gì họ "tư vấn".

Trong khi Ấn Độ vẫn trung thành với dòng Su-30MKI và đang triển khai dự án gia cố khung thân để mang được tên lửa BrahMos-A hay nâng cấp lên thành Super-30 với radar mảng pha quét chủ động (AESA), thì Việt Nam sau một thời gian đánh giá cả hai loại, có vẻ như vẫn thiên về Su-30SME (biến thể xuất khẩu của Su-30SM) nhiều hơn.

Xu hướng trên của hai người đồng minh có thể là do đã nhận ra các ưu nhược điểm thực sự của những chiếc tiêm kích trên. Thêm vào đó, việc Nga giao trọng trách trên chiến trường Syria cho Su-30SM chứ không phải Su-35S cũng phần nào cho thấy năng lực của chúng.

Trung Quốc sẽ phải hối hận vì đã đặt mua Su-35S? - Ảnh 2.

Su-35S chưa thể giúp Không quân Trung Quốc chiếm ưu thế trước các quốc gia láng giềng

Với những gì đã diễn ra trong thực tiễn, quyết định nhanh chân đặt mua Su-35S của Trung Quốc có vẻ như hơi vội vàng và không thực sự sáng suốt, PLAAF chưa thể sở hữu một phương tiện chiến tranh với những tính năng kỹ chiến thuật vượt trội hoàn toàn các đối thủ tiềm năng, thậm chí nếu không muốn nói là còn thua kém đáng kể.

Trong tương lai, nếu Không quân Việt Nam quyết định trang bị Su-30SME và được chuyển giao một số tiêm kích F-16 thuộc Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ để nâng cấp lên chuẩn F-16V Viper thì có thể khẳng định rằng cán cân sức mạnh trên không sẽ không nghiêng tuyệt đối về phía Trung Quốc như hiện nay!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại