Trong bài viết đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong kong) ngày 11/7, tác giả, nhà báo Mỹ Donald Kirk đã chia sẻ góc nhìn của mình về cuộc chiến thương mại toàn cầu, cũng như những hiểm họa manh nha, tiềm ẩn. Dưới đây là phần lược dịch bài viết. Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu đang càn quét thế giới và Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ sẽ tiếp tục chiến đấu với nó. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm sao, khi nào nó mới kết thúc và thiệt hại nó để lại là gì?
Nước Mỹ cho rằng, sau cùng, một vài đối tác thương mại của Mỹ sẽ nhận ra rằng họ cần xóa bỏ rào cản của mình đối với hàng nhập khẩu và tạo điều kiện nhiều hơn cho các công ty Mỹ làm ăn trên lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, những người khác lại đổ lỗi cho ông Trump vì đã làm đảo lộn các mô hình thương mại toàn cầu và có thể mang tới một thời đại mới cùng nhiều quy tắc và hạn chế đối với thương mại tự do. Tiến thêm một bước là sẽ tới thời điểm các nước bắt đầu phong tỏa lưu thông và hoàn toàn đóng cửa biên giới.
Cuối cùng, mối họa chiến tranh sẽ là cách duy nhất mà một số nhà lãnh đạo cho là cần thiết để xử lý vấn đề.
Trong cuộc tranh đấu quyền lực dữ dội này, phân xử đúng sai là cực kỳ khó. Các quốc gia và các công ty đưa ra nhiều tuyên bố lẫn phản bác, hệt như trong một phiên toà kiện tụng.
Từ góc nhìn của Mỹ
Người Mỹ cho rằng gần như tất cả các đối tác thương mại chính của mình đang xả hàng một cách bất công vào thị trường Mỹ ở mức thuế thấp hoặc bằng không trong khi áp thuế cao với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Theo Washington, bên có lỗi nhất là Trung Quốc, nước có lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ vượt quá mức nhập khẩu khoảng 400 tỉ USD. Con số này cho thấy sự thiếu cân bằng thương mại một cách bất thường. Thật là khó tin khi không mấy ai lên tiếng dù nó đã đạt tới mức cao như vậy.
Trung Quốc lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ vượt quá mức nhập khẩu khoảng 400 tỉ USD. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, các nhà đàm phán Mỹ đã phàn nàn suốt nhiều năm rằng đồng nhân dân tệ được định giá quá thấp nên hàng Trung Quốc có thể được xuất khẩu với giá rẻ. Họ cũng cho rằng Trung Quốc thiết lập rào cản đối với hàng nhập khẩu khiến sản phẩm của Mỹ khó có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc hoặc khó cạnh tranh hiệu quả khi tới được nơi.
Đó là lý do vì sao ông Trump áp mức thuế 25% lên số hàng nhập khẩu trị giá 34 tỉ USD từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế lên 2 mặt hàng xuất khẩu lớn của Mỹ: Đậu tương và phương tiện cơ giới.
Thực ra, mức thuế áp lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ không phải một con số khổng lồ khi xét trên tổng lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu, tuy nhiên, ông Trump tuyên bố sẽ tăng cường thêm nhiều mức thuế.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu tính đến khả năng bùng phát xung đột thì cuộc chiến thương mại toàn cầu nghiêm trọng nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lý do Mỹ - Trung chưa bùng phát xung đột
Hãy nghĩ tới việc Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên: Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Bắc Kinh về gần như toàn bộ số dầu khí và một lượng lớn thực phẩm, trong số rất nhiều vật phẩm khác.
Nếu Mỹ thất bại trong cuộc đàm phán với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa và hiểm họa chiến tranh lại một lần nữa đe dọa bán đảo Triều Tiên, thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ về phe Bình Nhưỡng, như nước này đã làm trong chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không tuân thủ chế độ cấm vận mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra để đáp trả các cuộc thử nghiệm thiết bị hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Tình trạng đối đầu với Trung Quốc lan rộng khắp vành đai châu Á, xuống Biển Đông, Ấn Độ Dương, biển Ả Rập và còn xa hơn thế.
Lý do khiến quân đội Mỹ và Trung Quốc chưa bùng phát xung đột là vì người Trung Quốc hiểu rất rõ họ phụ thuộc vào Mỹ tới mức nào khi mà họ có được nguồn thu rất lớn từ hàng xuất khẩu. Cứ giảm bớt thặng dư thương mại thì có thể người Trung Quốc sẽ nghĩ khác đi về hoạt động tự do hàng hải mà tàu chiến Mỹ thi thoảng lại thực hiện trên Biển Đông.
Mỹ: Một mình chống lại thế giới?
Cuộc chiến thương mại cũng lập tức ảnh hưởng tới quan hệ của Mỹ với Hàn Quốc.
Ông Trump không hài lòng với Thỏa thuận Thương mại Tự do Mỹ - Hàn. Ông kiên quyết sửa đổi và chắc chắn sẽ còn tiếp tục làm như vậy. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ vào năm ngoái là 23.1 tỉ USD, giảm xuống từ mức cao 28.3 tỉ USD năm 2015 tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với mong muốn của giới chức thương mại Mỹ.
Nếu ông Trump kiềm chế, không cứng giọng với Hàn Quốc thì cũng là do ưu tiên an ninh cơ bản của Seoul và các động thái liên quan tới hòa giải Hàn - Triều.
Tương tự, Mỹ cũng ngần ngại trước khả năng chiến tranh thương mại với Nhật Bản, nước có mức thặng dư với Mỹ đạt 68.8 tỉ USD hồi năm ngoái, giảm xuống từ cao điểm 76.4 tỉ USD năm 2012, dù vẫn còn quá cao.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu, nơi Mỹ vừa là mục tiêu vừa là đối thủ, gay gắt chẳng kém gì tranh chấp giữa nước này với những người láng giềng Mexico, Canada và mâu thuẫn với liên minh châu Âu.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Trudeau gặp gỡ tại G7. Ông Trump không hài lòng trước tình trạng lệch cán cân thương mại với láng giềng Canada, Mexico. Ảnh: Reuters
Ông Trump đã áp thuế lên các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu trong một nỗ lực mà ông cho là để cứu vớt ngành công nghiệp của Mỹ, đồng thời cung cấp thêm việc làm cho các công nhân Mỹ. Hành động này đã dẫn tới các động thái trả đũa trong bối cảnh đầy bất mãn.
Năm ngoái, thâm hụt của Mỹ với EU là 151.4 tỉ USD, với Mexico là gần 80 tỉ USD, và với Canada là hơn 17 tỉ USD.
Nhìn vào những con số này, có thể dễ dàng thấy được lý do vì sao ông Trump lại gay gắt về tình trạng thâm hụt thương mại trong khi các đối tác của Mỹ giận dữ trước những động thái nhằm giảm bớt mức này.
Tuy nhiên, điều đáng sợ là những mâu thuẫn này có thể bùng phát thành một cuộc xung đột vũ trang với thương vong lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người.
Các nhà hoạch định chính sách và các nhà đàm phán phải tiếp tục coi rủi ro này là mối quan tâm hàng đầu khi họ đối đầu nhau trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu mà một ngày nào đó có thể biến tướng thành Thế chiến III.