Hôm 20/10, Trung Quốc vừa hoàn thành thử nghiệm cất, hạ cánh thủy phi cơ AG600 ở một hồ lớn tại thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Đây là chuyến bay thử nghiệm thứ 3 của AG600 kể từ sau các lần bay thử vào tháng 12/2017 và tháng 8/2018.
AG600 là thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (CAIGA) thiết kế và sản xuất sau gần 8 năm nghiên cứu. AG600 được vận hành bởi bốn động cơ phản lực, có thể chở tối đa 50 người trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và có thể lấy 12 mét khối nước trong vòng 20 giây để cứu hỏa.
Bắc Kinh từng không ít lần tự hào khi AG600 xô đổ kỷ lục của ShinMaywa US-2 Nhật Bản và Beriev Be-200 Nga để trở thành thủy phi cơ lớn nhất thế giới với chiều dài thân máy là 39,3 m, sải cánh là 38,8 m, đường bay tối đa là 4.500 km.
Mặc dù vậy, Trung Quốc "khiêm tốn" nói rằng AG600 sẽ chỉ được phục vụ công tác cứu hỏa cháy rừng và cứu hộ trên biển, cũng như hỗ trợ cho việc phát triển, khai thác, thăm dò tài nguyên biển.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mưu đồ của Bắc Kinh thâm sâu hơn rất nhiều so với những gì họ nói và việc truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố AG600 liên tiếp thực hiện bay thử nghiệm thành công cho thấy thủy phi cơ này đã sẵn sàng hoạt động.
Vasily Kashin, chuyên gia phân tích của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga cho rằng mặc dù các tài liệu quảng cáo của CAIGA không hề đề cập tới mục đích quân sự nhưng lịch sử cho thấy ít thủy phi cơ nào chỉ được dùng với mục đích chữa cháy hay cứu hộ. Cả ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga đều là di sản của Chiến tranh Lạnh.
“Khó có thể dùng mục đích dân sự để biện minh cho việc Trung Quốc đang phát triển AG600 cho mục đích quân sự”, chuyên gia này nhận định.
Video: Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ lớn nhất thế giới
Ông Collagen Koh, chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cảnh báo AG600 phù hợp cho nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ, trang thiết bị tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây dựng các tiền đồn quân sự và tìm cách triển khai các thiết bị gây nhiễu và hệ thống tên lửa phòng không tầm xa.
Hôm 10/5, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) sau khi phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh khẳng định Trung Quốc hồi tháng 4 đã triển khai một chiếc Shaanxi Y-8 - một mẫu vận tải quân sự với một số biến thể có thể sử dụng để tuần tra hàng hải và làm nhiệm vụ trinh sát ra Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng vào đầu tháng 5, CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Bắc Kinh đã đã âm thầm lắp đặt các hệ thống tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm ra các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đầu tháng 4, một quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai các thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc, radar trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Bắc Kinh có thể sử dụng AG600 ở Biển Đông với các cớ là phục vụ cho các lợi ích chung, chẳng hạn như hỗ trợ cho các tàu nước ngoài hoạt động trong khu vực và tìm kiếm cứu nạn", ông Koh nhận định, cảnh báo sự xuất hiện của AG600 có thể sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Song Zhongping cho rằng AG600 sẽ giúp ích cho tham vọng liên kết các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp triển Biển Đông.
Theo Reuters, Trung Quốc đã phát triển AG600 như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội và tăng cường nghiên cứu các thiết bị quân sự tiên tiến để phục vụ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ tại các vùng biển tranh chấp trong khu vực.
Với tầm hoạt động lớn tới 4.500km và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 53.5 tấn, AG600 hoàn toàn có thể thực hiện các chuyến bay thẳng từ các căn cứ quân sự của nước này tới các đảo mà nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông mà không cần tiếp nhiên liệu. Nguy hiểm hơn, nó còn có thể hoạt động ở nhiều vùng biển khác nhau trong mọi điều kiện thời tiết.
Thêm vào đó, các đảo Bắc Kinh đang xây dựng trái phép lại tương đối nhỏ, nằm cách xa đất liền và thường không có đường bay để các máy bay vận tải cỡ lớn có thể hạ cánh. Vì vậy, AG600 sẽ trở thành công cụ hoàn hảo giúp vận chuyển các thiết bị, binh lính tới các hòn đảo này, theo cây viết Sebastien Roblin của chuyên san National Interest.
Điều phối viên của Chương trình Biến đổi quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, ông Richard Bitzinger cho rằng với AG600, Trung Quốc có thể tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải tại các vùng biển tranh chấp.
Chuyện gia Sam Bateman, cố vấn chương trình an ninh hàng hải của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có cùng quan điểm, nói thêm rằng mẫu thủy phi cơ này cũng có thể được quân đội Trung Quốc dùng cho mục đích tình báo và trinh sát.
Tuy nhiên, ông Bateman không cho rằng AG600 sẽ đóng vai trò như “người thay đổi cuộc chơi” ở Biển Đông mặc dù thừa nhận nó sẽ phục vụ cho mục đích củng cố các tiền đồn quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Suy cho cùng, theo cây viết Roblin của National Interest, mục đích chính của Trung Quốc khi phát triển AG600 vẫn là củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, thiết lập mạng lưới các căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương trong nỗ lực kiềm chế và kiểm soát các hoạt động của Hải quân Mỹ.