Cách đây đúng 10 năm trở về nước, dư luận Trung Quốc không khỏi xôn xao trước vụ án thu tiền cấp dưới như "đa cấp" của trưởng công an huyện Nam Triệu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Đến ngày hôm nay, vụ án xôn xao năm nào đã trôi qua đúng 1 thập kỷ nhưng dư âm mà nó để lại vẫn là lời nhắc nhở cho những người khoác trên mình bộ cảnh phục phải làm đúng chức trách, phận sự của mình.
Từ một chiến sĩ công an 4 thập kỷ "vì dân phục vụ"…
Ngày 7 tháng 11 năm 2008, phiên tòa xét xử nguyên trưởng công an huyện Nam Triệu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) diễn ra trước sự quan tâm của giới báo chí và nhân dân khắp cả nước.
Với các tội danh nghiêm trọng bao gồm nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền làm trái pháp luật, ông này bị truy tố trước Viện kiểm soát huyện Tích Xuyên và phải nhận bản án 11 năm tù giam. Nhân vật từng gây xôn xao dư luận năm ấy không ai khác chính là Lý Bình.
Lý Bình xuất thân là người gốc Sơn Tây.
Tháng 9/1973, Lý Bình tốt nghiệp loại ưu tại trường cảnh sát, trở thành một người cảnh sát nhân dân. Không lâu sau, cậu sinh viên mới ra trường này vinh dự được gia nhập hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Suốt 40 năm khoác trên mình bộ cảnh phục, Lý Bình từng phát hiện và bắt giữ hàng ngàn tội phạm, điều tra và phá thành công gần 2000 vụ án lớn nhỏ.
Trong suốt gần 4 thập kỷ thực hiện thiên chức phục vụ và bảo vệ nhân dân, sự nghiệp của cảnh sát viên họ Lý ấy đã từng có được nhiều chiến công vang dội.
Vậy do đâu mà một người cảnh sát với thành tích xuất sắc như thế lại bỗng chốc sa ngã trở thành một kẻ tham ô, phạm tội?
Bị cáo Lý Bình trong phiên tòa xét xử cuối cùng.
Ngọn nguồn của những sai lầm mà Lý Bình mắc phải bắt đầu từ sự kiện diễn ra vào tháng 1 năm 2004.
Đầu năm 2004, Lý Bình được cấp trên cất nhắc vào vị trí trưởng Công an huyện Nam Triệu. Đối với người cảnh sát họ Lý ấy, việc thăng chức vừa đem lại cho ông ta sự vui vẻ, nhưng cũng làm cho ông ta cảm thấy xung quanh mình có những luồng áp lực vô hình.
Lý Bình không ngờ rằng, bước tiến dài trên con đường quan lộ của mình lại trở thành chủ đề trách móc, than vãn của mọi người xung quanh mình.
Vợ ông ta than rằng: "Tôi cùng ông giữ gìn mấy chục năm, trừ mấy bộ cảnh phục cùng vài tấm giấy khen, cả nhà từ trong ra ngoài vốn chẳng có cái gì đáng giá. Ông làm ở chính ủy, là trưởng công an nhưng thực chất chỉ làm ‘thùng rỗng kêu to’. Vậy ông đảm nhiệm từng ấy chức vụ để làm gì?"
Con gái cũng nói: "Cha à, năm này qua năm khác cha bôn ba bên ngoài, con từ trước kia cho tới bây giờ đều chẳng có cơ hội hiểu được thế nào là tình thương của người cha…"
Họ hàng thì trách móc Lý Bình: "Mấy chục năm chú làm cảnh sát, đắc tội với vô số người.
Giờ chú thử nhìn lại một chút xem mình có được cái gì, chức quan không lớn, mà nhà cao cửa rộng cũng chả có. Chú ấy à, đến bây giờ vẫn còn đang chui rúc trong cái phòng có mấy chục mét vuông!"
Bạn bè tri kỷ cũng không nhịn được mà khuyên Lý Bình:"Ông tính một chút xem cái chức trưởng công an huyện này có thể làm nổi mấy năm nữa. Tôi biết ông là vì đường lui của mình mà sống cho minh bạch. Nhưng đời có câu, có quyền không dùng, đến hạn cũng bỏ đi thì phí…"
Câu nói này khiến nội tâm Lý Bình thực sự mất cân bằng.
Ông ta lặng lẽ suy nghĩ thật lâu, nhận thấy rằng đúng là nên nhân lúc còn đương chức, làm sao cho gia đình có được một cái nhà ra hình ngôi nhà, cũng coi như cho bạn bè và người thân thấy được bản lĩnh của mình.
Nhưng tiền xây nhà ít nhất cũng phải tốn tới mấy trăm ngàn tệ, mà một trưởng công an huyện nghèo như Lý Bình lúc ấy quả thực không đào đâu ra số tiền lớn tới như vậy.
Tuy nhiên, Lý Bình hiểu rõ hơn ai hết rằng một khi đã làm tới chức cục trưởng, sống liêm khiết mới khó chứ muốn tham ô lại chẳng thiếu cơ hội.
Gần 40 năm làm cảnh sát, Lý Bình biết rõ những phường lưu manh, dân cờ bạc, các băng đảng bảo kê, chủ thầu công trình… đều là những "mỏ vàng, mỏ bạc".
Ông ta cũng thừa tỉnh táo để nhận định ra được, "đào tiền" những kẻ ấy thì dễ, nhưng chúng hoàn toàn có thể dồn mình vào chỗ chết lúc nào không hay.
Đây cũng là lý do mà suốt 40 năm làm nghề cảnh sát, Lý Bình cương quyết không nhận bất cứ đồng tiền hối lộ nào của những kẻ làm ăn phi pháp trong xã hội.
Vì muốn xây cho gia đình một căn nhà bề thế, đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời vị trưởng công an huyện ấy trải nghiệm cảm giác "nhức đầu vì tiền".
Cuối cùng, trong đầu ông ta nảy ra một suy nghĩ sai lầm: "Ta phải vận dụng hết mức cái quyền của chức cục trưởng này, hơn nữa còn phải vận dụng một cách khoa học, phải làm sao kiếm tiền một cách hợp pháp.
Có quyền mà không dùng, đến khi hết hạn chỉ là thứ bỏ đi, ta không thể nào phí phạm quyền lực của mình như thế…"
Cũng chính cái suy nghĩ ấy đã khiến một công an liêm chính năm nào trượt dài trên con đường phi pháp…
… đến một vị trưởng công an huyện khét tiếng chuyên "hút máu" cấp dưới
Với mục tiêu kiếm đủ tiền xây nhà ngay trong nhiệm kỳ đầu làm trưởng công an huyện, Lý Bình bắt đầu bỏ thời gian, công sức ra nghiên cứu các phương pháp kiếm lời từ chức vị của mình.
Khi đang đau đầu "bày binh bố trận", thì một sự kiện bất ngờ ập tới đã giúp Lý Bình tìm ra "con đường phát tài" một cách phi pháp của mình.
Tháng 7/2004, trong khi đang tiến hành phá án, đồn công an Thành Quan thuộc huyện Nam Triệu đã không tuân theo quy định, chở nghi phạm cùng người bị hại chung một xe. Kết quả là người bị hại đã bẻ gãy ngón tay nghi phạm trong quá trình xe di chuyển.
Sự kiện này đã đánh động đến giới báo chí. Người chịu trách nhiệm phá án họ Phan sợ bị cấp trên xử trí nên đã nghĩ ra chủ trương "tiến cống" cho Cục trưởng Lý Bình.
Để lo lót cho sự việc trôi qua êm thấm, cũng là để "bôi trơn" cho con đường tiến thân sau này của mình, họ Phan tổng cộng hối lộ Lý Bình 4 lần với số tiền lên tới 40.000 NDT.
Cục trưởng Lý nằm mơ cũng không nghĩ rằng tai nạn bất ngờ này lại mở ra con đường phát tài của mình. Dĩ nhiên, đối với dụng ý "tiến cống" của cấp dưới, Lý Bình từ lâu đã biết rõ.
Ông ta lại càng suy nghĩ sâu xa hơn và nhận thấy rằng, cấp dưới của ông đều là cảnh sát, vừa có khả năng che giấu lại cũng có tiềm lực kinh tế, thu tiền của nhóm cấp dưới này vừa không sợ bị khai ra, cũng an toàn và thực tế hơn so với những đối tượng phi pháp ngoài kia.
Không lâu sau, nhờ Lý Bình bày mưu tính kế, cấp dưới họ Phan kia chẳng những không bị xử phạt mà rất nhanh còn được cất nhắc làm chỉ đạo viên một đồn công an thuộc huyện Nam Triệu.
Qua một lần nhận hối lộ, Lý Bình dẫn trở nên "quen tay" trong việc nhận tiền "tiến cống" của cấp dưới. (Ảnh minh họa).
Để có thể tích đủ tiền xây nhà, Lý Bình không tiếc nuối mà vứt bỏ hết tất cả nguyên tắc và kỷ luật làm nghề của mình.
Mỗi khi ra cửa hay xuất hiện trước nhiều người, y đều khoác lên mình bộ cảnh phục không nếp nhăn cùng vẻ mặt hiền hòa để xây dựng hình tượng một cục trưởng hiền lành, tốt bụng.
Kỳ thực, vỏ bọc thiện lương ấy vốn chỉ là thứ để tạo cơ sở vững chắc cho việc nhận hối lộ và làm trái pháp luật của Lý Bình sau này.
Dần dà, mấy trăm viên cảnh sát ở Nam Triệu mỗi khi có ngày lễ tết lại không khỏi lo lắng. Họ cảm thấy nếu không "tiến cống" cho Lý Bình sẽ là thất lễ với cấp trên tốt bụng này, mà cũng có thể bị coi như "không có thành ý".
Thời gian qua đi, lòng tham của Lý Bình càng lúc càng trở nên vô đáy, lá gan cũng ngày càng thêm lớn, mà bước chân sa ngã cũng đang dần lún sâu vào vũng lầy tội lỗi.
Dựa theo "khẩu vị" của vị trưởng công an huyện này, trong nội bộ công an huyện Nam Triệu đã hình thành một "quy tắc ngầm", một thứ luật bất thành văn với nội dung: Muốn làm việc gì thì phải tìm trưởng công an, mà muốn tìm ông ta thì phải chuẩn bị thật nhiều tiền.
Cái kết cay đắng cho vị trưởng công an huyện nhận hối lộ để "kiếm tiền xây nhà"
Chứng kiến sự xuống cấp nhanh chóng của hệ thống công an huyện Nam Triệu, dân chúng dù bất mãn nhưng cũng chỉ biết than trời.
Án kiện gửi đến cục nhiều vô số kể. Nhưng với những việc này, Lý Bình chỉ nhắm mắt làm ngơ, vờ như không thấy, tiếp tục "quản lý một cách phóng khoáng" những cấp dưới của mình với mục đích kiếm thật nhiều tiền để xây nhà.
Dưới chế độ quản lý của Lý, số lượng cảnh sát vi phạm kỷ luật ngày càng nhiều, thậm chí có người còn công khai phạm pháp. Nhưng mỗi khi mắc phải lỗi lầm dù lớn hay bé, những viên cảnh sát này chỉ cần "tiến cống" cho Lý Bình là mọi việc sẽ được y lo lót.
Lý Bình dùng phần lớn tinh lực của mình để vơ vét của cải. Toàn đơn vị có bao nhiêu cảnh sát, bao nhiêu cơ sở trực thuộc, bao nhiêu vị làm phó, mấy vị làm trưởng, điều chỉnh nhân sự lúc nào là hợp lý… Lý Bình đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
Y đã khiến cho mấy trăm cán bộ trong hệ thống công an huyện trở thành "mỏ vàng", "mỏ bạc" để tha hồ đào xới, thậm chí còn nhiều lần tùy tiện thuyên chuyển nhân sự để moi tiền.
Lý Bình đảm nhiệm chức cục trưởng chưa tới 4 năm, nhưng số lần thuyên chuyển nhân sự đã có tới 4 lần. Hành động này cũng là một mánh khóe quen thuộc của hầu hết những kẻ tham ô: Nếu muốn nhanh giàu thì phải điều động cán bộ!
Trong quá trình thuyên chuyển, điều động và cất nhắc nhân sự, Lý Bình có nguyên tắc "chỉ cần tiền chứ không cần người". Danh xưng "trưởng công an chuyên hút máu" chẳng mấy tốt đẹp của ông ta cũng từ đó mà ra.
Nhưng "cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra", những hành vi của Lý Binh từ sớm đã bị Viện kiểm soát thành phố Nam Dương tiến hành điều tra và thu thập chứng cứ.
Trải qua quá trình đấu tranh đầy cam go của đơn vị điều tra với vị cục trưởng lắm mưu, nhiều kế, thừa quyền lực, Lý Bình đã buộc phải cúi đầu nhận tội.
Kết quả điều tra thu được cho thấy: "Lý Bình đảm nhiệm chức trưởng Công an huyện Nam Triệu 4 năm, số lần nhận hối lộ lên tới hơn 70 lần, số người có liên quan là gần 100 người, số tiền ghi nhận được lên đến 60,9 vạn NDT."
Chưa dừng lại ở đó, Lý Bình còn lợi dụng chức vụ và quyền hạn để nhận tiền hối lộ và bảo lãnh sai quy định cho một nghi phạm họ Vương, khiến kẻ này nhiều lần không đến dự phiên tòa xét xử, làm ảnh hưởng tới tiến độ xử án và bị xếp vào hành vi vi phạm pháp luật.
Hình ảnh phiên tòa xét xử vụ việc của Lý Bình vào năm 2008.
Nhờ có đường dây đa cấp thu tiền hối lộ một cách tinh vi, Lý Bình đã thu được một số tiền khổng lồ để xây dựng dinh thự cho mình. Y đưa tiền cho vợ mua một mảnh đất có phong thủy tốt, ở vào vị trí lô đất đắt đỏ nhất Nam Dương.
Bên trong căn biệt thự này được thiết kế kiến trung xa hoa đến lóa mắt. Sau hoàn thành tầng lầu thứ ba, tổng diện tích sử dụng của căn nhà đã lên tới 700 mét vuông. Theo tính toán sơ bộ, số tiền để xây dựng căn dinh thự này cũng phải lên tới 2 triệu NDT.
Thế nhưng, điều khiến người đời không khỏi mỉa mai vị trưởng công an huyện này chính là, nhà còn chưa ở được bao lâu, Lý Bình đã phải vào buồng giam bóc lịch. Căn nhà to lớn xa hoa được xây dựng bằng số tiền phạm phạm mà ông ta vơ vét từng ấy năm cuối cùng lại bị bỏ hoang.
Ngày 12/11/2008, trả lời phỏng vấn của phóng viên trước giờ xét xử, nét mặt của nguyên trưởng công an huyện đã trở nên thất thần, hốc hác.
Câu đầu tiên phóng viên hỏi ông là: "Ông là một người không hiểu luật sao?"
"Cậu thấy tôi là một người không hiểu luật hay sao?" – Lý Bình lạnh lùng hỏi lại.
Phóng viên tiếp tục chất vấn: "Vậy tại sao ông lại lấy tiền của cấp dưới?"
Lý Bình thản nhiên trả lời: "Vì tôi là cấp trên của họ!"
Tới đây, phóng viên đưa ra một câu hỏi tương đối dài: "Ông trước kia từng nhận hối lộ hơn 70 lần, số tiền lên tới hơn 60 vạn tệ. Số tiền này ông cũng yên tâm sử dụng sao?"
Đến lúc này, Lý Bình đã có chút ngập ngừng:
"Lúc đầu tôi cảm thấy rất yên tâm. Tôi cho rằng bọn họ là cấp dưới nhưng cũng là cảnh sát, thông minh hơn nhiều so với những kẻ phạm pháp ngoài kia. Khi xảy ra chuyện, họ cũng không dám khai ra tôi, nên tôi dùng tiền rất yên tâm…"
Cuối cùng, phóng viên tiếp tục hỏi: "Bây giờ ông còn thấy yên tâm không?"
Vào giờ phút ấy, Lý Bình xấu hổ không thể nói ra câu trả lời…