"Từ nhiều năm trước, bóng đá Việt Nam đã xây dựng những học viện đào tạo, trong đó có PVF. Họ đưa về cựu HLV ĐT Nhật Bản Philippe Troussier làm Giám đốc kỹ thuật, với một đội ngũ gồm 15 HLV nước ngoài và 25 HLV trong nước tạo thành một đội ngũ chuyên nghiệp.
Với cơ sở vật chất được đầu tư, đó trở thành nơi quy tụ của hàng trăm học viên tiềm năng ở khắp cả nước. Học viên lớn lên ở đó, vừa học bóng đá, vừa học văn hóa.
Quá trình đào tạo của PVF đang dần cho trái ngọt khi cầu thủ của họ dần trở thành trụ cột của nhiều cấp độ đội tuyển Việt Nam. Đây chính là mô hình mang đến thành công cho bóng đá Việt Nam", cựu tuyển thủ từng 106 lần khoác áo ĐTQG Trung Quốc này cho thấy sự hiểu biết cặn kẽ của mình về bóng đá Việt Nam.
Trung tâm bóng đá PVF.
Đồng thời, ngôi sao bóng đá là chồng của ca sỹ kiêm diễn viên nóng bỏng người Hong Kong - Tiffany Lee, cũng đã chỉ thẳng vào điểm yếu của bóng đá Trung Quốc hiện tại:
"Là một cầu thủ bóng đá Trung Quốc, tôi hiểu sâu sắc trách nhiệm mà tôi phải gánh vác. Tôi không có ý định phủ nhận câu nói đó chỉ là cảm xúc nhất thời, nhưng cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đó không phải là quan điểm vô căn cứ.
Từ những quan sát dưới góc độ làm bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của mình. Bóng đá Trung Quốc hiện nay có nhiều tiền, có thể đưa về những công nghệ tiên tiến.
Nhưng điều chúng ta còn thiếu là làm sao chuyển đổi các công nghệ tiên tiến này thành công nghệ của chính mình. Ý tôi muốn nói đến cách sử dụng và vận hành nguồn lực chúng ta có trong tay".
Bên cạnh đó, Phạm Chí Nghị cũng nêu quan điểm rằng bóng đá luôn phải gắn kết với xã hội, với cộng đồng, với văn hóa của một quốc gia, chứ không thể tách rời nó ra như một môn thể thao độc lập với xã hội, và cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Luận điểm này của anh nhận được rất nhiều sự đồng tình của người hâm mộ Trung Quốc.
Bình luận trong bài viết trên trang Sina của Trung Quốc, nickname Seanguo kể câu chuyện của mình:
"Tôi ở Thượng Hải. Con gái tôi đang học mẫu giáo. Phụ huynh của vào bạn trai cùng lớp của cháu lên kế hoạch cho con mình học bóng đá, tôi hỏi về học phí, họ trả lời 200 tệ (khoảng 700.000 VND) mỗi tiếng. Tôi choáng váng. Thời của mình, chúng tôi chỉ cần xếp hai chiếc cặp lại là đã có thể chơi đá bóng rồi.
Giờ đây, bóng đá ở Trung Quốc đã trở thành một môn thể thao quý tộc, dành cho con nhà giàu. Nghèo thì không có cửa học bóng đá. Thế thì bóng đá Trung Quốc làm sao mà phát triển được".
Đồng tình với quan điểm đó, nickname MingMing phân tích: "10 năm trở lại đây, trường đào tạo bóng đá trẻ mọc lên như nấm ở Trung Quốc. Nhưng trớ trêu thay là nó chả cho ra đời những tài năng nên hồn cho bóng đá nước nhà. Thay vào đó, nó được dùng làm công cụ để nã tiền phụ huynh.
Sự tráng lệ của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Evergrande Quảng Châu.
Để được đào tạo ở những trường xịn sò, số tiền mà cha mẹ các cầu thủ trẻ phải trả là rất cao. Cứu cánh của cái gọi mỹ miều là "đào tạo tài năng bóng đá trẻ" ở Trung Quốc thực chất chỉ là kiếm tiền, không hơn không kém".
Như thường lệ, không ít người hâm mộ Trung Quốc lại "xát muối vào vết thương" của đội nhà bằng những lời khen ngợi dành cho bóng đá Việt Nam. Nickname Ai Chuanjie bình luận:
"Đào tạo trẻ của Việt Nam đang dẫn đầu châu Á. Trung Quốc quá giàu, ở mỗi địa phương đều thừa sức xây dựng một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như kiểu PVF, nhưng thay vì bỏ tiền ra để phát triển, để làm nghĩa vụ xã hội như Việt Nam, thì doanh nhân Trung Quốc chỉ đầu tư để kiếm tiền.
Phạm Chí Nghị đã nói đúng, sự phát triển của bóng đá cần sự chung tay của cả xã hội, nó gắn liền với văn hóa và cộng đồng. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam, cứ để những doanh nhân trọc phú thao túng bóng đá trẻ, Trung Quốc chỉ ngày càng lụn bại mà thôi".