Theo Thời báo Hoàn Cầu , súng điện từ mới của Trung Quốc cho thấy các tính năng vượt trội so với súng trường thông thường, bao gồm tiếng ồn nhỏ hơn, đèn flash ở đầu nòng và độ giật thấp. Các chuyên gia quân sự đánh giá, công nghệ mới này đánh dấu xu hướng phát triển cho vũ khí trong tương lai.
Không giống với các loại súng truyền thống là sử dụng đầu đạn tròn, súng điện từ bắn ra các viên đạn có hình dạng giống đồng xu, vì súng được thiết kế cho mục đích chống bạo loạn thay vì gây sát thương cho mục tiêu.
Loại đạn đồng xu được sử dụng cho súng điện từ.
Các chuyên gia cho biết, đạn đồng xu có độ lan tỏa lớn, khả năng trấn áp cao hơn và giá thành thấp. Vì không sử dụng thuốc súng nên loại đạn này dễ dàng cất giữ và vận chuyển.
Pin lithium tích hợp phía sau súng.
Pin lithium tích hợp phía sau cung cấp nguồn năng lượng cho súng. Pin khi được sạc đầy cho phép súng bắn liên tục hàng nghìn phát mỗi phút, vượt xa tốc độ của súng trường truyền thống, thông thường chỉ đạt 7-800 phát/ phút.
Trong một cuộc thử nghiệm, khẩu súng điện từ này dễ dàng phá hủy các tấm ván gỗ, chai bia và cửa sổ ô tô. Khi bắn, súng giật nhẹ, tiếng ồn thấp, không lửa, không khói và không có vỏ đạn.
Công nghệ phóng điện từ này có đặc điểm là khả năng tàng hình cao, đây cũng là hướng phát triển của các loại vũ khí trong tương lai.
Báng súng được đặt ở giữa vũ khí để cân bằng trọng lượng, mặt trước của súng có ba nút có thể được sử dụng để chuyển đổi giữa các chế độ bắn, thay đổi công suất, bật và tắt vũ khí.
Màn hình hiển thị mức độ sử dụng của súng.
Một màn hình nhỏ trên súng hiển thị trạng thái của nó, bao gồm mức sử dụng pin, đạn, nhiệt độ và chế độ bắn. Một đường ray trên đỉnh súng cho phép lắp đặt ống ngắm và thiết bị hiệu chuẩn do người điều khiển lựa chọn để hỗ trợ ngắm bắn.
Loại vũ khí này đã thu hút sự chú ý của công chúng sau khi ra mắt lần đầu tiên tại Airshow China 2022 ở Chu Hải, Trung Quốc.
Mặc dù việc phát triển và thử nghiệm công nghệ mới này được dự đoán là một bước đột phá, nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang phát triển công nghệ này bởi Nhật Bản, Mỹ, Nga cũng đã cho ra mắt các sản phẩm tương tự.