Công ty Space Transportation có trụ sở chính tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 28/10 thông báo thử nghiệm bay thành công máy bay vận tải thương mại Yunxing có thể đạt tốc độ Mach 4 (khoảng 1.361,2 m/s).
Công ty cho biết đợt đánh giá tiếp theo về công nghệ động cơ của họ dự kiến diễn ra vào tháng 11. Mục tiêu của công ty là chế tạo máy bay phản lực chở khách siêu thanh cỡ lớn có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2027.
Theo Space Transportation, Yunxing có thể đưa hành khách từ Bắc Kinh đến New York (Mỹ) chỉ trong khoảng hai giờ, với tốc độ gấp bốn lần vận tốc âm thanh.
Chiếc máy bay phản lực siêu thanh dân dụng cuối cùng trên thế giới là Concorde với tốc độ Mach 2, được phát triển chung bởi các công ty hàng không vũ trụ Pháp và Anh. Concorde bắt đầu chở khách vào năm 1976 cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 2003.
Concorde trang bị bốn động cơ phản lực, có thể cất cánh và hạ cánh theo hướng ngang, bay ở độ cao khoảng 18.300 m.
Với công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến hơn trong thiết kế, máy bay Yunxing có thể bay nhanh gấp đôi Concorde, cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng, đạt độ cao trên 20.000 m, theo giới thiệu của nhà phát triển.
Một đoạn phim mô phỏng trên trang web của Space Transportation cho thấy Yunxing được phóng lên bầu trời bởi một tên lửa đẩy. Sau khi tách rời, máy bay lướt đi một quãng đường dài. Khi đến gần đích, máy bay lướt giảm tốc độ xuống mức dưới âm thanh trước khi động cơ tên lửa lỏng của nó bắt đầu đốt cháy để giảm tốc độ thứ cấp nhằm hạ cánh thẳng đứng.
Space Transportation khẳng định đã hoàn thành nhiều thử nghiệm về kỹ thuật giảm tốc chủ động và hạ cánh thẳng đứng.
Hôm 26/10, một số công nghệ quan trọng của máy bay phản lực siêu thanh Yunxing được đưa vào thử nghiệm, bao gồm hệ thống khí động học, bảo vệ nhiệt và điều khiển.
Về mặt khí động học, Yunxing có tỷ lệ lực nâng trên lực cản cao, do đó khi độ cao tăng và mật độ không khí giảm, máy bay vẫn duy trì hiệu suất hiệu quả, giúp chuyến bay tiết kiệm và thoải mái hơn.
Ngoài ra, trong chuyến bay tốc độ cao, bề mặt máy bay liên tục trải qua quá trình gia nhiệt khí động học, với nhiệt độ vượt quá 1.000 độ C. Các vật liệu và cấu trúc nhẹ, có độ bền cao và chịu nhiệt là rất quan trọng trong việc bảo vệ nhiệt. Công ty cho biết cấu trúc toàn bộ bằng vật liệu composite chịu được những điều kiện khắc nghiệt này trong chuyến bay thử nghiệm.
Hệ thống điều khiển bay, thiết bị điện tử hàng không và độ bền cấu trúc của nguyên mẫu cũng được đánh giá.
Space Transportation hướng tới mục tiêu phát triển máy bay siêu thanh có thể phục vụ cho các chuyến bay thương mại toàn cầu và du lịch vũ trụ giá phải chăng.
Phó chủ tịch Space Transportation Shen Haibin cho biết công ty kế hoạch thực hiện chuyến bay có người lái đầu tiên phục vụ du lịch vũ trụ cận quỹ đạo vào năm 2025 và đạt được dịch vụ vận tải toàn cầu tốc độ cao vào năm 2030.
Ông Shen tuyên bố: "Công ty đặt mục tiêu giảm chi phí vé du lịch vũ trụ từ 450.000 USD của Virgin Galactic xuống còn 450.000 nhân dân tệ Trung Quốc (63.180 USD)".
Space Transportation thành lập tại tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, vào năm 2018, có các trung tâm R&D và sản xuất tại Bắc Kinh, Tây An, Thiểm Tây và An Huy. Công ty cũng có một cơ sở thử nghiệm ở Korla, Tân Cương, cực tây của Trung Quốc.
Các kế hoạch nghiên cứu và phát triển của Space Transportation bao gồm nền tảng xác thực công nghệ, phương tiện du lịch vũ trụ cận quỹ đạo và phương tiện bay siêu thanh toàn cầu. Công ty cũng cung cấp các dịch vụ công nghệ siêu thanh cho quân đội, các trường đại học và viện nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Space Transportation còn hợp tác phát triển tên lửa và các chuyến bay thử nghiệm với một số đối tác, như việc tham gia vào dự án máy bay siêu thanh Feitian 1 do Đại học Bách khoa Tây Bắc dẫn đầu. Máy bay này hoàn thành chuyến bay thử nghiệm vào năm 2022.