Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học National Science Review, sinh vật này mang danh pháp khoa học là Qianlong shouhu.
Trong đó, "Qianlong" có nghĩa là " Rồng Quý Châu ", còn "shouhu" là "bảo vệ", ám chỉ việc các bộ xương và các quả trứng chứa phôi được bảo tồn cùng nhau.
Các loài sauropod khổng lồ - Ảnh: SCIENCE
Theo Sci-News, Rồng Quý Châu là một loài khủng long sauropod, tức dòng họ khủng long cổ dài ăn thực vật, thân hình nặng nề với bốn chân to như cột đình, là nhóm động vật lớn nhất từng bước đi trên Trái Đất.
Các quái thú được khai quật ở hệ tầng Ziliujing ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc chỉ là những con cỡ nhỏ trong dòng họ này, nhưng đã dài tới 6 m và nặng khoảng 1 tấn.
Nhưng thứ mà các nhà cổ sinh vật học quan tâm nhất vẫn là các ổ trứng. Chúng là mẫu vật trứng có da lâu đời nhất từng được phát hiện trên thế giới, đặc biệt quý giá vì bảo tồn được cả phôi bên trong nguyên vẹn.
Nhà cổ sinh vật học Fenglu Han và các đồng nghiệp từ Trường Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc cho biết: "Phôi cho thấy một số khác biệt so với con trưởng thành, ví dụ hộp sọ dài hơn, mép trước của mõm thẳng đứng".
Phân tích sinh trắc học cũng cho thấy các con non sau khi nở sẽ đi bằng bốn chân, nhưng Rồng Quý Châu trưởng thành đi băng hai chân.
Các đặc điểm của khu vực hóa thạch này cũng chỉ ra Rồng Quý Châu là loài làm tổ theo bầy đàn, một hành vi sinh sản thường thấy ở các sauropod khác.
Các quả trứng của chúng cũng cung cấp bằng chứng quan trọng về cách trứng đã tiến hóa như thế nào trong giai đoạn từ khủng long chân thú cho đến các loài tổ tiên của chim.
Lớp vỏ da của các quả trứng này cũng ủng hộ một giả thuyết có từ lâu là trứng sơ khai của động vật có thể có vỏ da, sau đó mới tiến hóa dần đến trạng thái vỏ cứng như trứng chim, gia cầm ngày nay.
Đàn quái thú đầy thú vị của tỉnh Quý Châu sống vào khoảng 200 đến 193 triệu năm trước, tức đầu kỷ Jura, đại diện cho lớp sinh vật khổng lồ đầu tiên của "thời đại quái thú". Khủng long sơ khai của kỷ Tam Điệp trước đó thường bé nhỏ, trong khi kỷ Phấn Trắng sau đó ngập tràn khủng long ngoại cỡ.
Trong đó, người họ hàng sauropod lớn nhất của Rồng Quý Châu là khủng long titanosaur (thằn lằn hộ pháp), với thân hình dài hàng chục mét, con lớn nhất từng được khai quật có thể nặng gần 70 tấn.