Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một bia đá cổ, có niên đại hơn 550 năm trước đây, trên đó mô tả cuộc sống và phong tục tập quán của người dân cách đây hơn 5 thế kỷ, tại tỉnh Hà Bắc, miền Bắc nước này.
Theo thông báo của cơ quan bảo vệ di tích văn hóa tỉnh Hà Bắc đưa ra ngày 23/10, các nhà khảo cổ cho rằng bia đá trên có thể được dựng lên năm 1464 dưới triều Minh (1368-1644). Bia đá hình bán nguyệt, cao 1,25m, rộng 0,7m và có độ dày là 0,22m.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bia đá này đặt trên một bệ đá hình Thạch long quy (bixi - linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng trong thần thoại Trung Quốc).
Những hình khắc trên bia đá cổ này vẫn rất rõ, mô tả một phần các hoạt động xã hội-kinh tế, điều kiện địa lý, phong tục tập quán địa phương ở thời kỳ trên, bao gồm quá trình phục chế một ngôi miếu tại địa phương này.
Theo các nhà khảo cố học, bia đá này cung cấp những tư liệu quý giá cho hoạt động khảo cổ sau này, cũng như cho việc nghiên cứu tín ngưỡng và cuộc sống tại địa phương./.