Trong tuyên bố mới đưa ra, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành đã “bôi nhọ một cách ác ý” tình hình nhân quyền ở Tân Cương mà không quan tâm đến sự thật.
Bắc Kinh gọi hành động này là “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Nước này cũng cáo buộc Mỹ có hành vi “thao túng chính trị và cưỡng ép kinh tế” khi ban hành đạo luật và nhiều lần dùng vấn đề Tân Cương để “gây chuyện” với Bắc Kinh, nhằm phá hoại sự thịnh vượng và ổn định của Tân Cương, cản trở sự phát triển của nước này với lý do nhân quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là vấn đề nhân quyền, mà về bản chất là chống khủng bố bạo lực và chủ nghĩa ly khai.
Theo Bắc Kinh, các hành vi của Mỹ vi phạm nguyên tắc thị trường và đạo đức thương mại, “sẽ chỉ làm suy yếu chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu, phá vỡ trật tự thương mại quốc tế và làm tổn hại đến lợi ích và uy tín của chính nước Mỹ”.
Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ sửa chữa sai lầm ngay lập tức và cảnh báo sẽ có thêm phản ứng tùy theo diễn biến tình hình, nhưng không nói rõ các biện pháp phản ứng này là gì. Trước đó, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ cũng ra tuyên bố, bày tỏ sự “phẫn nộ mạnh mẽ và kiên quyết phản đối” đạo luật của Mỹ.
Ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ được yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền ở Tân Cương”.
Một số hàng hóa, như bông, cà chua và polysilicon được sử dụng trong sản xuất pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Tân Cương, cũng được coi là những hàng hóa “ưu tiên cao” trong hành động cấm nhập khẩu của Mỹ.
Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một trong những điểm nóng gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với nhiều chính trị gia và công ty Trung Quốc, cũng như “tẩy chay ngoại giao” không cử quan chức dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 vì vấn đề này.
Trung Quốc nhiều lần phủ nhận cáo buộc nhân quyền của Mỹ liên quan đến Tân Cương và cảnh báo sẽ hành động đáp trả. Ngày 21/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vừa tuyên bố trừng phạt 4 quan chức Mỹ như một biện pháp “đáp trả đối đẳng” các lệnh trừng phạt trước đó của Washington đối với 4 quan chức Trung Quốc với cáo buộc “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương./.