Trung Quốc ôm mộng chế tạo "tàu vũ khí" mang hàng trăm tên lửa

QS |

Tờ China Topix cho hay, Trung Quốc đang cân nhắc phát triển "tàu chứa vũ khí" - một loại tàu nổi có thể mang theo tới 500 tên lửa.

Loại tàu này từng suýt được Hải quân Mỹ chế tạo từ 2 thập kỷ trước. Song, khác ở chỗ, Trung Quốc muốn phiên bản của họ có thể lặn được, trong khi vẫn dành phần lớn thời gian hoạt động trên mặt nước.

Cũng có một ý tưởng khác nhưng gây tranh cãi hơn, đó là một tàu ngầm chứa vũ khí, có thể duy trì hoạt động dưới lòng biển trong phần lớn thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, các hiệp hội nghiên cứu thuộc sở hữu hoặc liên kết với chính phủ Trung Quốc đang tiến hành khảo sát mức độ khả thi của các ý tưởng này.

Phiên bản tàu vũ khí của Hải quân Mỹ là một tàu nổi. Theo ý tưởng, đó sẽ là tàu không người lái, hoạt động bằng cách điều khiển từ xa.

Trung Quốc ôm mộng chế tạo tàu vũ khí mang hàng trăm tên lửa - Ảnh 1.

Ý tưởng thiết kế tàu vũ khí của Mỹ

Được đề xuất lần đầu tiên năm 1996, các tàu chứa vũ khí được kỳ vọng sẽ sử dụng tên lửa mà chúng mang theo để oanh tạc bờ biển, hỗ trợ cho thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, dự án này đã bị Quốc hội Mỹ hủy bỏ tài trợ vào năm 1998.

Theo China Topix, Trung Quốc muốn chế tạo một tàu ngầm hoặc tàu nổi có khả năng lặn với lượng giãn nước 20.000 tấn. Mẫu tàu nổi sẽ có 2 đài chỉ huy và có thể hoạt động theo 4 chế độ: lặn, nổi một phần thượng tầng, nâng một phần thân tàu lên khỏi mặt nước và hoạt động như một tàu cánh ngầm tốc độ cao.

Để giảm tiết diện phản xạ radar thì phần lớn thân tàu sẽ chìm dưới nước, chỉ có đài chỉ huy và một số bộ phận khác của tàu nổi lên trên mặt nước.

Tuy nhiên, khi đi cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay, con tàu này sẽ sử dụng phần đáy phẳng để lướt trên mặt nước với tốc độ cao.

Khi có một nhóm tàu tác chiến mặt nước đi theo bảo vệ thì tàu chứa vũ khí sẽ dành phần lớn thời gian hoạt động trên mặt nước và chỉ lặn khi bị đe dọa, phần nhiều nhiệm vụ của nó giống như các tàu ngầm U-boat Type VII và Type IX của Hải quân Đức thời Thế chiến II.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại