Trung Quốc ôm "bom nợ"

Hoàng Phương |

Trung Quốc đang chìm ngập trong khoản nợ 30.000 tỉ USD (tương đương 259% GDP) và con số này được dự báo đạt 327% GDP vào năm 2022 nếu không có giải pháp đối phó.

Đặt chân đến khu Tân Hải mới ở TP Thiên Tân - Trung Quốc những ngày gần đây, người ta nhìn thấy một số tòa nhà còn chưa hoàn thành trong lúc nhiều cửa hàng để trống. Dù được xem là trung tâm tài chính và kinh doanh tương lai, khu vực này vẫn chưa đáp ứng những kỳ vọng đặt ra. Người dân địa phương cho biết chỉ 1/3 căn hộ ở đây có người ở và họ không tin rằng Tân Hải sẽ trở thành một nơi sầm uất, phát triển.

Khúc dạo đầu báo... nợ!

Hồi tháng 1 vừa qua, chính quyền Tân Hải có động thái gây sốc khi điều chỉnh GDP địa phương giảm 30%, còn 665,4 tỉ nhân dân tệ (khoảng 105 tỉ USD).

Trước đó không lâu, chính quyền tỉnh Liêu Ninh và khu tự trị Nội Mông cũng có bước đi tương tự giữa lúc giá thép, dầu và than sụt giảm. Đây dĩ nhiên là những thông tin khiến Chủ tịch Tập Cận Bình không vui, nhất là khi nhà lãnh đạo này đang phát động chiến dịch đối phó những rủi ro tài chính có hệ thống đang đe dọa tăng trưởng kinh tế.

Cho đến giờ, nỗ lực trấn áp mới tập trung vào vấn đề cho vay quá mức của ngân hàng và tình trạng các tập đoàn tư nhân vung tiền thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Đối mặt sức ép từ các nhà quản lý, những công ty này đang bán tài sản với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên, theo trang Bloomberg, đây chỉ mới là khúc dạo đầu cho những gì xảy ra trong những năm tới khi Bắc Kinh tăng cường hạn chế các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước (SOE) mượn tiền vô tội vạ.

Vào năm ngoái, ông Tập phát đi cảnh báo các quan chức địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để nợ địa phương gia tăng, trong lúc ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của SOE.

Nỗi lo của giới lãnh đạo Trung Quốc không có gì khó hiểu bởi nước này đang chìm ngập trong khoản nợ 30.000 tỉ USD (tương đương 259% GDP) và con số này được dự báo đạt mức 327% GDP vào năm 2022 nếu không có giải pháp đối phó. Phần lớn khoản nợ trên đến từ các khoản vay của SOE nhưng các chính quyền địa phương cũng chịu trách nhiệm không nhỏ.

Nợ nào cũng đáng lo

Phát biểu bên lề kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) đang diễn ra ở Bắc Kinh hôm 10-3, ông Xiao Yaqing, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, tiếp tục nhấn mạnh đến những ưu tiên hàng đầu của SOE: giảm nợ và hạn chế rủi ro. Theo ông Xiao, SOE sẽ buộc phải cải thiện chất lượng tài sản và gia tăng vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc sẽ tìm cách sử dụng biện pháp đổi nợ lấy cổ phần để giảm nợ tại các SOE.

Các chuyên gia kinh tế còn kỳ vọng chính quyền Trung Quốc xem xét tiến hành thêm các vụ sáp nhập, như từng làm với doanh nghiệp khai thác than Shenhua Group và Công ty Điện lực China Guodian Corp năm ngoái. Có ý kiến kêu gọi Bắc Kinh nên để những SOE "hết thuốc chữa" phá sản để giảm bớt gánh nặng dù điều này đồng nghĩa nhiều người mất việc làm.

Không dừng lại ở đó, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đang lo ngại về sự gia tăng của nợ hộ gia đình thông qua những phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội.

"Nợ hộ gia đình đang tăng nhanh chóng, trong đó có vay mượn để tiêu dùng, mua bất động sản và đầu tư. Đây là điều rất rủi ro" - ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc, bày tỏ hôm 9-3 dù không gợi ý giải pháp đối phó.

Ông Pan Gongsheng, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói thêm họ đang chú ý đến nợ hộ gia đình, nhất là sự gia tăng giá trị của các khoản cho vay thế chấp, dù hiện vẫn còn quá sớm để gióng lên hồi chuông báo động.

Một trong những lý do thúc đẩy Bắc Kinh ưu tiên tháo ngòi nổ quả bom nợ là tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi nợ không còn ấn tượng như những năm 1980 và 1990. Theo Tạp chí Nikkei Asian Review, khủng hoảng nợ đang là phép thử đối với chiến lược tập trung vào chất lượng tăng trưởng, thay vì thúc đẩy tốc độ tăng trưởng.

Đề cập rõ hơn về điều này, ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, hôm 9-3 khẳng định Bắc Kinh sẽ giảm bớt sự phụ thuộc truyền thống vào tăng trưởng tín dụng nhanh chóng và đầu tư, cũng như dựa ít hơn vào các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Theo Reuters, phát biểu này cho thấy Trung Quốc sẽ chi tiêu thận trọng hơn trong năm nay giữa lúc nỗ lực giảm rủi ro từ tình trạng nợ đang tăng mạnh.

Bỏ phiếu về nhiệm kỳ chủ tịch nước

Dự kiến vào chiều 11-3, gần 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu về việc chỉnh sửa hiến pháp, bao gồm đề xuất xóa bỏ giới hạn số lượng nhiệm kỳ cho chức danh chủ tịch và phó chủ tịch nước.

Đề xuất trên muốn thông qua phải có được sự đồng ý của ít nhất 2/3 số đại biểu. Do tầm quan trọng về mặt chính trị, việc biểu quyết được tiến hành bằng cách bỏ phiếu giấy thay vì giơ tay hay bấm nút trên thiết bị điện tử như thường thấy, theo thông báo của đoàn chủ tịch kỳ họp quốc hội.

Phiếu sẽ được kiểm đếm bằng một hệ thống điện tử và kết quả do Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm Trương Đức Giang công bố. Một khi đề xuất được thông qua, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng tiếp tục giữ cương vị chủ tịch Trung Quốc sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc vào năm 2023.

Quy trình bỏ phiếu như trên giống hệt 4 lần chỉnh sửa trước đó của hiến pháp Trung Quốc hiện hành - được ban hành vào năm 1982. Tuy nhiên, chưa lần chỉnh sửa nào gây nhiều tranh cãi như hiện nay, một phần vì những người tiền nhiệm của ông Tập dành nhiều thời gian để tham vấn và chuẩn bị hơn trước khi đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội.

Đơn cử, thuyết "Ba đại diện" của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân có tới gần 16 tháng thảo luận trước khi ra Quốc hội vào năm 2004 và quá trình bỏ phiếu được truyền hình trực tiếp chứ không phải đóng cửa với báo giới như lần này. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ nêu trên chỉ mới được thảo luận từ tháng 9 năm ngoái.

Hải Ngọc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại