Tên lửa đạn đạo mới nhất của Hàn Quốc, Hyunmoo-4, đang được thử nghiệm.
Ông Triệu Lập Kiên cho rằng quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Bán đảo Triều Tiên là nhất quán và rõ ràng, trong tình hình hiện nay, tất cả các bên cần hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo và thúc đẩy tiến trình giải quyết các bất đồng.
Ông Triệu Lập Kiên nói Trung Quốc và Hàn Quốc là “hai nước láng giềng gần gũi không thể dời đi”, đồng thời, sự phát triển của quan hệ Mỹ - Hàn phải có lợi cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực, đồng thời không được làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba, trong đó có Trung Quốc.
Nguồn cơn của câu chuyện bắt nguồn từ cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu tuần trước, khi đó Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố chấm dứt thỏa thuận tên lửa 42 năm tuổi. Thỏa thuận mới mang tính "biểu tượng và thực chất", ông Moon nói với các phóng viên.
Nó mang tính biểu tượng vì Hàn Quốc trước đây đã giành được nhiều nhượng bộ từ phía Mỹ cho phép nước này cuối cùng phát triển các tên lửa có khả năng đủ tầm để tấn công bất cứ nơi nào ở Triều Tiên, chỉ cần một địa điểm phóng thuận lợi.
Việc này được xem là thực chất vì khuôn khổ của thỏa thuận năm 1979 nếu tồn tại có thể làm phức tạp hóa tiến trình phát triển tên lửa của Hàn Quốc.
Trong khi bản sửa đổi thoả thuận năm 2012 cho phép Seoul xây dựng khả năng tấn công toàn bộ Triều Tiên từ nửa phía bắc của Hàn Quốc, các lực lượng của Seoul về lý thuyết có thể lắp đặt tên lửa ở bất kỳ đâu ở Hàn Quốc - ngay cả những hòn đảo ở cực nam - và vẫn có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên. Thỏa thuận công bố hôm thứ Sáu tuần trước làm cho điều này trở nên khả thi.
Hiệp định 1979 là sản phẩm của thời đó. Chính phủ Hàn Quốc muốn phát triển tên lửa đạn đạo như một phương tiện tấn công các mục tiêu phía sau phòng tuyến của Triều Tiên. Nhưng ngành công nghiệp Hàn Quốc thiếu phương tiện để phát triển các tên lửa này.
Mỹ đồng ý chuyển giao công nghệ, nhưng với những giới hạn mà chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter khi đó hy vọng sẽ ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát trên Bán đảo Triều Tiên.
Người Mỹ hạn chế Hàn Quốc phát triển tên lửa có tầm bắn dưới 178km và trọng tải không quá 500kg. Nhưng Triều Tiên không phải chịu những ràng buộc như vậy. Bình Nhưỡng đều đặn cải thiện tầm bắn và tải trọng của tên lửa đạn đạo ngay cả khi Seoul tuân thủ các điều kiện của Mỹ.
Ngày nay Triều Tiên triển khai một loạt tên lửa có thể tấn công các mục tiêu ở bất cứ đâu ở Hàn Quốc. Tên lửa nặng nhất có tầm bắn xuyên lục địa. Nhiều tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Các chính phủ tiếp theo của nước Mỹ đã phải uốn theo thực tế và nới lỏng các hạn chế đối với tên lửa đạn đạo Hàn Quốc. Năm 2001, tầm bắn được phép tăng lên 300km, đến năm 2012 là 800km, đủ bắn tới bất cứ nơi nào trên đất Triều Tiên.
Năm 2017, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý dỡ bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn. Ba năm sau, họ cũng chấm dứt lệnh cấm tên lửa của Hàn Quốc sử dụng nhiên liệu rắn.
Việc nới lỏng các hướng dẫn cho phép Hàn Quốc phát triển một loạt tên lửa phi hạt nhân ngày càng mạnh mẽ. Tên lửa mới nhất, Hyunmoo-4, đang được thử nghiệm. Với sự kết thúc của hiệp định năm 1979, sẽ sớm có một tên lửa Hyunmoo-5 không có giới hạn tầm bắn hoặc các thuộc tính khác.
Điều này rất quan trọng đối với Hàn Quốc. Để ngăn chặn một cuộc xâm lược từ phía bắc, Seoul đã có trong tay một hình thức răn đe phi hạt nhân độc đáo.