Trung Quốc nói có thể dùng 'chảo rán' để theo dõi máy bay tàng hình Mỹ

Thái An |

Trung Quốc tuyên bố, một bộ cảm biến có kích thước bằng chiếc chảo rán có thể phát hiện, theo dõi các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ như F-22, F-35… bằng cách sử dụng hệ thống vệ tinh Starlink thuộc công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk.

Do các vệ tinh này liên tục phát ra bức xạ điện từ, bất kỳ sự xáo trộn nào do máy bay gây ra có thể được sử dụng để theo dõi nó.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm ra cách để sử dụng nhóm vệ tinh Starlink nhằm phát hiện máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình , một cách thụ động. Theo truyền thông Trung Quốc, điều này được thực hiện bằng cách phát hiện hiệu ứng “bóng” của một vật thể nằm giữa bộ cảm biến và bức xạ điện từ phát ra từ các vệ tinh.

Nhóm nghiên cứu đằng sau phát hiện này đã sử dụng một chiếc máy bay không người lái (UAV) DJI Phantom 4 Pro để mô phỏng một máy bay chiến đấu tàng hình và tiến hành thí nghiệm. Chiếc UAV này được chọn vì nó có diện tích phản xạ radar tương tự như một chiếc F-22 của Mỹ.

Nếu đúng, thí nghiệm được thực hiện ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có thể cách mạng hóa việc phát hiện máy bay tàng hình. Trung tâm Giám sát Tần số Radio Nhà nước Trung Quốc đã giám sát thí nghiệm này và kết quả đã được đánh giá độc lập trước khi công bố.

Máy bay tàng hình như F-22 được thiết kế để giảm phản xạ radar thông qua các hình dạng hình học phù hợp và sơn hấp thụ radar. Sự kết hợp công nghệ này làm giảm “kích thước” của vật thể trên thiết bị radar, nhằm che giấu bản chất thực sự của chúng.

F-22 là máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm, nổi bật với khả năng tàng hình, cơ động cao và tốc độ siêu thanh. Ảnh: F-22 Demonstration Team.

Sử dụng Starlink để tìm máy bay tàng hình

Ý tưởng cơ bản là khi một máy bay bay qua không gian giữa các vệ tinh Starlink và các ăng-ten trên mặt đất, nó có thể gây ra hiện tượng tán xạ sóng điện từ của các vệ tinh, làm gián đoạn tín hiệu liên lạc bình thường.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng, nếu hiện tượng tán xạ này được phát hiện và phân tích, nó có thể được sử dụng để phát hiện và có khả năng theo dõi các máy bay tàng hình.

Điều thú vị là các nhà khoa học Nga đã lần đầu tiên đề xuất sử dụng tán xạ phía trước để phát hiện UAV tại một hội nghị học thuật quốc tế vào năm 2015.

Mãi đến năm 2019, Starlink mới được triển khai. Hiện tại, SpaceX đã xây dựng một mạng vệ tinh khổng lồ gồm hơn 6.000 chiếc.

Một nhóm vệ tinh Starlink của SpaceX được trông thấy rõ vào ban đêm. Ảnh: EarthSky.

Các tín hiệu Starlink được mã hóa và CEO của SpaceX, tỷ phú Elon Musk , không cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của giáo sư Yi Jianxin (Trường Thông tin điện tử, Đại học Vũ Hán, Trung Quốc) tuyên bố rằng, họ có thể tạo ra một bộ thu tín hiệu Starlink bằng cách sử dụng các linh kiện điện tử dễ mua với giá cả phải chăng.

Ăng-ten này được gắn trên một đế xoay, cho phép nó theo dõi vệ tinh khi di chuyển trên bầu trời. Các vệ tinh Starlink phát ra tín hiệu radio tần số cao để cung cấp kết nối internet với tốc độ lên đến 220 Mbps.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35A. Ảnh: Lockheed Martin.

Tuy nhiên, môi trường điện từ phức tạp này không được tính đến khi các máy bay chiến đấu tàng hình được phát triển lần đầu tiên. Theo nhóm nghiên cứu, nếu một trạm radar sử dụng các tín hiệu vệ tinh Starlink mạnh và lan tỏa, khả năng phát hiện của nó có thể không bị ảnh hưởng bởi hình dạng ba chiều và vật liệu bề mặt của mục tiêu.

Chưa sẵn sàng cho quân sự hóa

Giáo sư Yi và nhóm của ông đã chỉnh sửa mô hình radar phát hiện tán xạ phía trước sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các cơ chế vật lý cơ bản và phát triển một thuật toán mới. Họ xử lý các tín hiệu nhận được bằng một chip hiệu suất cao chưa được công bố.

Hiện tại, ăng-ten radar của họ chỉ có kích thước bằng một chiếc chảo rán, và các UAV trong thí nghiệm bay ở độ cao tương đối thấp. Do đó, công nghệ mới này vẫn chưa thể được sử dụng cho các ứng dụng quân sự. 

Các tính năng "khủng" của máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Video: Lockheed Martin.

 Nhóm của giáo sư Yi tuyên bố đã thành công trong việc phát hiện các tín hiệu tương ứng với các chi tiết như chuyển động của rotor máy bay không người lái, xác nhận “tính khả thi và hiệu quả” của phương pháp và thiết kế hệ thống trong các ứng dụng chống drone và máy bay chiến đấu tàng hình.

Nhóm nghiên cứu giải thích rằng điều này sẽ “mang lại lợi thế đáng kể trong việc phát hiện các mục tiêu nhỏ và tàng hình”. “Sử dụng các nguồn bức xạ của bên thứ ba, hệ thống radar có thể được cải thiện khả năng ẩn mình và chống gây nhiễu”, giáo sư Yi và các đồng nghiệp nói.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ảnh: Lockheed Martin.

Trụ cột sức mạnh không quân Mỹ

Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ như F-22 Raptor và F-35 Lightning II được thiết kế với khả năng giảm thiểu tín hiệu radar, giúp chúng khó bị phát hiện bởi hệ thống phòng không đối phương.

Cả hai dòng máy bay này đều sử dụng công nghệ radar hấp thụ tiên tiến và vật liệu đặc biệt để giảm phản xạ tín hiệu radar. Với khả năng tác chiến vượt trội, F-22 và F-35 là trụ cột trong sức mạnh không quân hiện đại của Mỹ.


Theo Interesting Engineering, Eurasian Times, Wikipedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại