Chuyến thăm của ông Tập
Theo kế hoạch, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis lần thứ hai trong vài ngày trở lại đây, sau khi ông Mitsotakis tới Thượng Hải tham dự Hội chợ Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc. Tại đây, ông Tập đã đề xuất ý tưởng biến Hy Lạp "trở thành trung tâm kho vận" của hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu tới châu Âu.
Trong chuyến thăm ba ngày, ông Tập sẽ tới thăm Piraeus - một cảng thuộc Địa Trung Hải hiện đang được điều hành bởi công ty nhà nước Trung Quốc Cosco, dự lễ khánh thành chi nhánh mới của Ngân hàng Trung Quốc ở Athens và tới thăm các di tích lịch sử như Acropolis.
Ông Mitsotakis đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 với tầm nhìn biến Hy Lạp trở thành một trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như trở thành nền công nghiệp chú trọng xuất khẩu. Do đó, thủ tướng Hy Lạp sẽ nhân cơ hội này để đảm bảo nhận được khoản đầu tư lớn từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, SCMP cho rằng các nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ sẽ theo dõi sự kiện này một cách thận trọng. Hiện tại, Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm rõ ràng đối với Hy Lạp, đặc biệt khi Athens có tham gia vào diễn đàn hợp tác "17+1" do Bắc Kinh khởi xướng với sự tham gia của các quốc gia Đông Âu và Đông Nam Âu, cả các nước trong và ngoài EU.
Cảng Piraeus dưới quyền quản lí của công ty Trung Quốc Cosco. Ảnh: Xinhua
Brussels đã cáo buộc Trung Quốc đưa ra sáng kiến này nhằm chia rẽ khối châu Âu.
Plamen Tonchev, người đứng đầu khoa Châu Á tại Viện quan hệ Kinh tế Quốc tế ở Athens, cho rằng ông Mitsotakis sẽ coi diễn đàn là cách thức để Hy Lạp tăng cường vị thế trong khu vực.
"Hy Lạp tham gia diễn đàn từ chính phủ tiền nhiệm, nhưng ông Mitsotakis sẽ không rút Athens khỏi diễn đàn này vì đối với Hy Lạp, đây là cơ hội để khẳng định lại vị thế ở Đông Nam Âu và đặc biệt tại vùng Tây Balkans," ông Tonchev nói.
Trung Quốc và Hy Lạp
Một quan chức EU đề nghị giấu tên tiết lộ: "Trung Quốc có thể yêu cầu Hy Lạp đóng vai trò lớn hơn trong việc liên kết khối 17+1 bởi hiện tại một số quốc gia châu Âu đã tỏ ra thờ ơ với diễn đàn này, chủ yếu bởi vì họ không thấy tiềm năng kinh tế từ việc cộng tác".
Trong khi đó, một cố vấn của chính phủ ông Mitsotakis cho biết quan điểm của Athens là vừa đảm bảo việc xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc và vừa tránh "vẽ đường" cho Bắc Kinh giữa lúc Trung Quốc đang tìm cách tăng cường lợi ích địa chính trị ở Đông Âu.
"Thủ tướng hoàn toàn hiểu rõ mối quan ngại của EU đối với ý định của Trung Quốc," cố vấn Hy Lạp nói.
Mối quan hệ của Hy Lạp với Trung Quốc cũng nằm trong tầm ngắm của Washington. Trong chuyến thăm Athens hồi tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục cảnh báo về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Âu, cáo buộc nước này "sử dụng các biện pháp kinh tế để ép các quốc gia chấp nhận thỏa thuận bất công, đem lại lợi ích cho Bắc Kinh và khiến các nước đối tác ngập trong nợ nần".
Dù Hy Lạp chỉ nhận chưa tới 1% tổng các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu nhưng việc kiểm soát và mở rộng cảng Piraeus đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại. Cosco đã điều hành cảng Piraeus trong 10 năm trở lại đây và có kế hoạch biến vùng này trở thành cảng sầm uất nhất Địa Trung Hải vào cuối năm 2019.
Tính tới tháng 10, Athens đã chấp thuận 2/3 các dự án của Cosco nhằm phát triển cảng với tổng đầu tư các dự án lên tới 670 triệu USD, bao gồm 4 khách sạn và một bãi đỗ xe. Những phần kế hoạch còn lại bị từ chối vào hồi tháng 4 sau khi Hội đồng Khảo cổ Trung ương Hy Lạp tuyên bố một nửa cảng Piraeus là di tích khảo cổ.
"Phần kế hoạch xây dựng bến tàu thứ 4 hiện vẫn chưa được chính quyền Hy Lạp thông qua. Có thể đó sẽ là một trong những chủ đề được ông Tập đối thoại với ông Mitsotakis," ông Tonchev nói.