Trung Quốc nhòm ngó vị trí lãnh đạo lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Linh Nguyễn |

Chức danh này sẽ cho phép quốc gia vốn chịu nhiều "tiếng xấu" được lãnh đạo lực lượng viễn chinh lớn thứ hai thế giới, với hơn 100.000 quân nhân đang đóng quân tại nhiều điểm nóng.

Cuộc đua tới chiếc ghế Tổng thư ký đã thu hút sự chú ý của các quan chức tại đại bản doanh LHQ ở Turtle Bay trong nhiều tháng qua. Thế nhưng, phía dưới bề nổi của tảng băng chìm là tình hình ganh đua chính trị khốc liệt hòng giành lấy những chức vụ cấp cao dưới quyền nhà lãnh đạo mới.  

Foreign Policy phân tích, kết quả cuộc đua có thể phá tan thế áp đảo mà các nước phương Tây đã nắm giữ hàng thập kỷ trong bộ máy lãnh đạo LHQ, và thậm chí khiến các nhà vận động nhân quyền phải lo ngại những hoạt động tương lai của lực lượng gìn giữ hòa bình.  

Theo nguồn tin từ nhiều quan chức thuộc LHQ, Bắc Kinh có tham vọng quản lý Lực lượng Gìn giữ Hòa Bình (DPKO), thay thế các lãnh đạo tiền nhiệm mang quốc tịch Pháp suốt gần 20 năm.

Về phần Nga, Moscow cũng đang theo đuổi chức vụ lãnh đạo Cơ quan nội vụ chính trị LHQ (DPA), do các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nắm giữ suốt thập kỷ qua. 

Một quan chức cấp cao LHQ cho biết, "Trung Quốc đang lên kế hoạch vào DKPO, và Nga đang lên kế hoạch vào DPA. Mấy vị trí này chỉ đang khuyết danh thôi sao? Ai mà biết được."

Trung Quốc nhòm ngó vị trí lãnh đạo lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ - Ảnh 1.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào 31/12/2016.

Tham vọng tiếp quản lực lượng gìn giữ hòa bình toàn cầu của Trung Quốc trùng hợp với việc nước này muốn can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế. Nhưng đây có thể là dấu hiệu báo trước sự thay đổi đáng lo ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, bớt tập trung vào nhân quyền và thượng tôn kỷ luật. 

Đây cũng là thời điểm lực lượng "mũ xanh" này đối mặt với loạt cáo buộc xâm hại tình dục tại Cộng hòa Trung Phi, và không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ dân thường cũng như nhân viên cứu trợ ở Nam Sudan. 

"Người Trung Quốc đang đặt ra dấu mốc," Richard Gowan, chuyên gia về gìn giữ hòa bình thuộc Hội đồng Châu Âu về Quan hệ quốc tế nhận xét.

"Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch của Trung Quốc gồm có thứ nhất, đặt mình vào vị trí lãnh đạo lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ; và thứ hai, viết lại quy luật gìn giữ hòa bình." 

Các chuyên gia nhận định, bằng việc triển khai hàng nghìn quân nhân "mũ xanh" thực hiện 11 nhiệm vụ, và lời hứa bổ sung lực lượng 8.000 quân thường trực và gói tài trợ lực lượng bảo an cho Liên hiệp Châu Phi trị giá 100 triệu USD, Trung Quốc đã chi rất mạnh tay cho tham vọng của mình.  

Giống như người láng giềng, tham vọng sở hữu vị trí cấp cao trong LHQ của Nga phản ánh mục tiêu quay lại vị thế quyền lực trước kia. Cả Bắc Kinh và Moscow đều khó chịu vì trong mắt hai nước này, hệ thống bổ nhiệm của LHQ có phần thiên vị phương Tây.

Mỹ, Anh và Pháp cùng các đồng minh thân thiết đã chiếm giữ các vị trí có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong LHQ từ sau Chiến tranh Lạnh. Tình trạng này khiến nhiều nhân vật có tư tưởng đổi mới lên tiếng yêu cầu bổ nhiệm theo thành tích thay vì quốc tịch của ứng viên.

Vào năm 1992, Đại hội đồng LHQ thậm chí tuyên bố rõ ràng rằng "không nên tồn tại tình trạng bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào được độc chiếm các vị trí cấp cao."

Nhưng có lẽ không thành viên nào của Hội đồng Bảo an lại cảm thấy mình phải chịu bất công như Trung Quốc, khi chức vụ cao nhất mà quốc gia này nắm giữ thuộc Ban Kinh tế và Xã hội, được coi là cơ quan LHQ hạng hai. 

Tuy nhiên, theo quan sát của Foreign Policy, có luồng ý kiến cho rằng tham vọng "trèo cao" của Trung Quốc chỉ là chuyện tào lao. Một nhà ngoại giao thuộc Hội đồng Bảo an cho biết ông không tin vào các lời đồn thổi, và rằng Trung Quốc cũng nhận ra chưa phải lúc thích hợp. 

Phái bộ Trung Quốc tại LHQ không phản hồi các yêu cầu bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại