Ông Kashin cho hay, cách đây nhiều năm, người Trung Quốc vì muốn tiết kiệm một ít tiền nên thay vì mua một số chiếc Su-33 nguyên gốc từ Nga và xin giấy phép sản xuất ở Trung Quốc, họ đã đi mua một nguyên mẫu Su-33 ở Ukraine để lén lút chế tạo lại.
Dòng chiến đấu cơ J-15 mà Trung Quốc sản xuất là bản sao không có giấy phép của chiến đấu cơ trên tàu sân bay Su-33 của Nga, có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu trên bộ Su-27K vào những năm 1980. Trung Quốc đã mua một chiếc T-10K-3 (nguyên mẫu chiếc Su-33) từ Ukraine và sau đó chế tạo lại nó.
Rốt cuộc Trung Quốc đã phải mất nhiều tiền và thời gian hơn để phát triển dòng chiến đấu cơ J-15 nhưng những chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo tỏ ra không hoạt động hiệu quả.
Mặc dù Nga và Trung Quốc hiện đang trong mối quan hệ rất mật thiết, thậm chí còn tổ chức các cuộc tập trận chung nhưng giới truyền thông Nga luôn cố ý phanh phui điểm hạn chế của loại chiến đấu cơ “made in China” này.
Điển hình là gần đây, hãng tin Sputnik News của Nga đã đăng tải một bài báo có tiêu đề "Hải quân Trung Quốc thiếu các chiến đấu cơ trên tàu sân bay, chỉ có duy nhất J-15 nhưng cũng không hoạt động được".
Tờ Asia Times cho biết truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ý chê bai, ví von J-15 như một “con cá bơn” vì không thể hoạt động hiệu quả từ các tàu sân bay Trung Quốc.
Động cơ và trọng lượng nặng nề của J-15 đã hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động. Với trọng lượng 17,5 tấn, nó là chiến đấu cơ trên tàu sân bay “nặng nề” nhất hiện nay. Trong khi chiếc F-18 của Hải quân Mỹ chỉ có 14,5 tấn.
Rút kinh nghiệm từ rất nhiều chiếc J-15 bị rơi và bốc cháy, Trung Quốc hiện nay đang phát triển một dòng máy bay hoạt động trên tàu sân bay mới là chiếc J-31.