Trung Quốc ngừng nhập, Thái Lan ngập trong rác thải điện tử và đang phải trả giá đắt

Thu Hương |

Trong khi các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines từ chối những tàu chở rác thải điện tử từ nước ngoài cập bến thì Thái Lan lại "dễ tính hơn".

Trong nhà máy với ánh đèn tù mù, những người phụ nữ cúi gập người cặm cụi tìm kiếm và thu nhặt những thứ còn chút ít giá trị như pin, bảng mạch, dây từ đống thiết bị điện tử đã bị người ta bỏ đi.

Họ dùng búa và những đôi tay trần để đập vỡ chúng. Ở góc khác, một số người đàn ông chỉ bịt mặt bằng những mảnh vải mỏng manh nhằm tránh khói đang xúc số kim loại bỏ đi vào máy nghiền. Những đám khói mang theo nhiều chất độc hại lan tỏa đến các cánh đồng và làng mạc ở gần đó. Người dân không biết chính xác thì đó là khói do đốt nhựa hay kim loại, nhưng họ biết rằng mùi rất khó chịu và hít phải khói này khiến họ bị ốm.

Nhà máy New Sky Metal là một phần của ngành xử lý rác thải điện tử đang bùng lên ở khắp các nước Đông Nam Á sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu rác thải điện tử của thế giới do tác hại môi trường. Mặc dù các nhà hoạt động ngăn cản mạnh mẽ và chính phủ nước này đã cố gắng dung hòa lợi ích, Thái Lan đang trở thành trung tâm của ngành này. Đông Nam Á nhanh chóng thay thế Trung Quốc trở thành "bãi rác" của thế giới vì luật bảo vệ môi trưởng lỏng lẻo và lao động giá rẻ.

Trung Quốc ngừng nhập, Thái Lan ngập trong rác thải điện tử và đang phải trả giá đắt - Ảnh 1.

Trong khi các nước khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines từ chối những tàu chở rác thải điện tử từ nước ngoài cập bến thì Thái Lan lại "dễ tính hơn". Năm ngoái, Thái Lan đã cấm nhập khẩu rác thải điện tử. Nhưng những nhà máy mới vẫn mọc lên trên khắp đất nước, và hàng tấn rác thải điện tử vẫn đang được xử lý tại đây, theo các chuyên gia trong ngành. Theo Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới thải ra 50 triệu tấn rác thải điện tử. Và cố gắng lấy số kim loại quý (vàng, bạc, đồng) với số lượng rất ít ỏi từ xác những chiếc điện thoại, máy tính, tivi là công việc rất bẩn và nguy hiểm.

Tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan cho biết cảnh sát đã bố ráp ít nhất 10 nhà máy, trong đó có New Sky Metal và "giờ New Sky đã hoàn toàn đóng cửa". Nhưng khi phóng viên New York Times tới thăm làng Koh Khanun gần đây, nhà máy vẫn đang hoạt động, cho thấy sự thật phũ phàng về hệ thống quản lý yếu ớt và nạn tham nhũng đang làm hại Thái Lan như thế nào. Nhà máy New Sky Metal chỉ bị phạt 650 USD mỗi lần vi phạm.

Kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu rác thải điện tử được ban hành, vẫn có 28 nhà máy mới mọc lên ở tỉnh Chachoengsao, nơi có ngôi làng Koh Khanun. Kể từ đầu năm đến nay tỉnh này có 14 doanh nghiệp được cấp phép xử lý rác thải điện tử.

Hầu hết các nhà máy mới tập trung ở miền Trung Thái Lan, nằm giữa thủ đô Bangkok và Laem Chabang, cảng lớn nhất ở Thái. Một số quan chức Thái Lan cho rằng có những nhà máy vẫn phải xử lý lượng rác còn tồn lại, và họ xử lý rác nội địa chứ không phải nhập khẩu. Nhưng các chuyên gia trong ngành chỉ ra đó chỉ là lời bao biện, vì lượng rác thải điện tử mà Thái Lan thải ra không thể tương ứng với tốc độ mở nhà máy nhanh như vậy.

Trung Quốc ngừng nhập, Thái Lan ngập trong rác thải điện tử và đang phải trả giá đắt - Ảnh 2.

Trong khi năm ngoái chính phủ Thái Lan quyết định nới lỏng luật lao động và luật môi trường cho tất cả các nhà máy, theo đó những nhà máy quy mô nhỏ không phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường, thì một dự luật nhằm siết chặt kiểm soát ngành xử lý rác thải điện tử lại bị mắc kẹt.

Điều này đang gây ra những hệ lụy khủng khiếp.

Nếu một số loại rác thải điện tử không được nung đốt ở nhiệt độ đủ cao, ví dụ như dioxin, chúng có thể gây bệnh ung thư và làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước.

Trong King Aibo Electronics Scrap Treatment Center, một trong những nhà máy ở gần chùa, có một tấm bảng viết chữ Trung Quốc báo lịch khi nào những container rác thải sẽ đến. 3 công nhân có mặt tại nhà máy khi phóng viên đến thăm đều là người Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc đang đến lập nhà máy ở Thái Lan.

Nhà sư Phra Chayaphat Kuntaweera cho biết vài nhà máy đã mọc lên quanh ngôi chùa của ông, trong đó có 2 nhà máy đang được xây dựng. Nhiều nhà sư đã bắt đầu ho, sau đó là nôn mửa. Khi lò đốt bắt đầu hoạt động thì họ ngay lập tức cảm thấy đau đầu.

Hàng triệu công nhân từ những nước nghèo hơn như Myanmar hay Campuchia đã nhập cư bất hợp khác vào Thái Lan. Và nhu cầu tìm kiếm những lao động như vậy được dự báo sẽ ngày càng tăng. Trong khi đó những nhà máy mọc lên như nấm đang "giết chết" không chỉ những người làm việc trực tiếp trong nhà máy mà là cả những người sống quanh đó, một cách từ từ.

Xử lý rác thải điện tử là ngành tạo ra nhiều lợi nhuận, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ. Bài học từ Trung Quốc với những ngôi làng ung thư dường như không giúp ích gì nhiều cho Thái Lan.

"Rác điện tử không bỗng nhiên mất đi. Trung Quốc đã chuyển toàn bộ hoạt động của họ sang Đông Nam Á", Jim Puckett, giám đốc điều hành Mạng lưới Hành động Basel, tổ chức phi chính phủ Mỹ mở chiến dịch chống đưa rác tới những nước nghèo, nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại