Trung Quốc ngăn lũ: Kế hoạch hoành tráng ở Bắc Kinh, địa phương thực hiện kiểu "treo đầu dê"?

Thúy |

Gần như hàng năm, Trung Quốc đều gánh chịu thiệt hại nhất định về người và của do hậu quả của lũ lụt khi không thể ngăn lũ tràn về từ những con sông.

Trong khu Phố Cổ của Trùng Khánh, bên dòng sông Dương Tử (Trường Giang), bà Liu, một chủ cửa hàng, dọn dẹp đống hỗn độn từ những trận bão tháng trước. Bà xếp hàng chục đôi giày đã ướt, bám đầy bùn đất trên vỉa hè, với hy vọng bán được hàng cho những người qua đường.

"Không ai nghĩ rằng trận lũ lụt lại nghiêm trọng đến vậy," bà Liu, 63 tuổi cho hay, "Tôi đứng trước cửa sổ, nhìn nước dâng cao. Và tôi không thể làm được gì ngoài lo lắng.

Tinh thần ''núi cúi đầu, sông đổi dòng'' chưa mang lại hiệu quả triệt để

Trong nhiều thế kỉ, Trung Quốc đã cố kiểm soát các dòng sông bằng đê, đập, kênh rạch trên tinh thần muốn "núi cúi đầu, sông đổi dòng". 

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc lưu giữ hồ sơ về các thảm họa thiên nhiên trong 500 năm trở lại đây và hầu như năm nào cũng có ghi chép vế những trận lụt lớn.

Tuy nhiên, những con sông vẫn tiếp tục tràn bờ và quá trình đô thị hóa của Trung Quốc vẫn tiếp tục làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Vùng đồng bằng trũng nước trước đây giờ đã thành căn hộ, nhà máy, được bảo vệ bởi hệ thống đê điều ngày càng cao.

Vì vậy, chính phủ Trung Quốc thử cách tiếp cận khác.

Sáng kiến về "thành phố bọt biển"

Ở rìa Đông Bắc thành phố Trùng Khánh, chính quyền đã thiết kế thành phố Yuelai với mục đích là một "thành phố bọt biển". 

Các thành phố của Trung Quốc ngập lụt một phần do diện tích đất giữ nước từng đóng vai trò hấp thụ lượng mưa - như đồng cỏ, rừng cây, hồ - đã bị lát đá, buộc nước mưa chảy thẳng vào hệ thống thoát nước, trong khi hệ thống này đã kém hoặc lỗi thời, không còn khả năng ứng phó với thiên tai.

Sáng kiến về "thành phố bọt biển" được đưa ra vào năm 2015, với mục tiêu hấp thụ lượng mưa lớn và cho nước chảy từ từ xuống sông và các hồ chứa. Sử dụng các đặc điểm như vườn cây trên mái nhà, công viên đầm lầy, vỉa hè thấm nước và bể chứa ngầm. Mục tiêu của "thành phố bọt biển" là hấp thụ hoặc tái sử dụng 70% lượng nước mưa vào 4/5 diện tích đất đô thị của Trung Quốc.

Giáo sư kiến trúc cảnh quan tại Đại học Bắc Kinh Yu Kongjian cho biết: "Chúng ta cần trả lại không gian cho nước. Chúng ta cần coi nước là nguồn tài nguyên quý, không phải kẻ thù."

Yuelai là một trong những địa điểm thử nghiệm của chính phủ trung ương Trung Quốc. Công viên Triển lãm Trung tâm của thành phố được đặt thấp hơn mặt đất xung quanh để thu nước mưa. Dòng nước này đã được lọc bởi các lớp thực vật thủy sinh bên trên. Mưa rơi trên mái nhà, xuống các công viên hay vỉa hè - được làm bằng vật liệu dễ thấm hút.

Trong khi bà Liu và các chủ cửa hàng ở Phố Cổ đang dọn dẹp các cửa hàng chịu ngập lụt thì bên bờ sông Gia Lăng, có rất ít dấu hiệu của ngập lụt. Có lẽ đây là một dấu hiệu tích cực cho Trùng Khánh - nằm giữa những ngọn núi, nơi hai con sông lớn Gia Lăng và Dương Tử gặp nhau.

Trung Quốc ngăn lũ: Kế hoạch hoành tráng ở Bắc Kinh, địa phương thực hiện kiểu treo đầu dê? - Ảnh 2.

Dự án ở Yuelai được thực hiện. Ảnh: Bloomberg

Trùng Khánh nằm trên đỉnh hồ chứa nước dài 600km được tạo ra bởi đập Tam Hiệp, trị giá 24 tỉ USD - dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Hoàn thành vào năm 2006, đập Tam Hiệp tạo ra 22.5 gigawatt điện, tuy nhiên vai trò chính của nó là điều tiết lũ hàng năm trên sông Dương Tử.

Vũ Hán từng được mệnh danh là "thành phố trăm hồ", muốn nói tới vùng đồng bằng trũng nước rộng lớn của khu vực này, nơi từng hấp thụ nước lũ hàng năm từ Trường Giang. Khoảng 3/4 số hồ đó đã được lấp đầy để phục vụ xây dựng trong vòng 30 năm qua.

Jennifer Turner, Giám đốc Diễn đàn Môi trường Trung Quốc tại Trung tâm Wilson (Mỹ) cho biết, "Trung Quốc đã mất hầu hết các vùng đất ngập nước tự nhiên dọc theo sông Dương Tử, vì vậy nước không còn chỗ để chảy vào."

Năm nay, thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, một lần nữa bị tấn công nặng nề bởi lũ lụt.

Những con đập "có thể kiểm soát được lũ lụt những năm khác nhưng chưa phát huy được hết tác dụng vào những mùa mưa lịch sử này," Darrin Magee - giáo sư về Môi trường tại Cao đẳng Hobart & William Smith (New York) cho biết, dự đoán lũ lụt sẽ còn có thể khủng khiếp hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

"Đập Tam Hiệp có thể chứa được rất nhiều nước nhưng không phải toàn bộ lượng nước sông Dương Tử."

Kế hoạch hoành tráng của Bắc Kinh cần phải triển khai tốt ở cấp địa phương

Trung Quốc ngăn lũ: Kế hoạch hoành tráng ở Bắc Kinh, địa phương thực hiện kiểu treo đầu dê? - Ảnh 3.

Người đàn ông dọn dẹp bùn đất sau trận lũ. Ảnh: Bloomberg

Khi lũ lụt quét qua miền Nam Trung Quốc vào tháng 7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) hứa sẽ chi thêm 184.38 tỉ USD vào 150 dự án thủy lợi trong vài năm tới. Bờ sông Dương Tử và các phụ lưu của nó hiện ước tính có khoảng 34.000km đê, lớn hơn chiều dài của Vạn Lý Trường Thành.

Trong khi các chính sách phát huy tác dụng, lũ lụt vẫn là vấn đề tự nhiên đau đầu nhất của Trung Quốc. Từ năm 1950 đến năm 2018, tại Trung Quốc có hơn 280.000 người tử vong và 9.6 triệu hecta cây trồng bị mất trắng do lũ.

Giáo sư Yu tại Đại học Bắc Kinh cho biết các lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra sự cần thiết của phương pháp tiếp cận ''xanh'' hơn, nhưng việc thay đổi các quan điểm được thực hiện từ lâu đời ở các tỉnh là rất khó. 

Các chiến lược kinh tế và môi trường lớn do Bắc Kinh chỉ đạo có xu hướng trở nên không hiệu quả khi triển khai ở cấp địa phương. Theo Bloomberg, giới chức và doanh nghiệp các địa phương lợi dụng chủ trương cùng ngân sách nhà nước để thúc đẩy những nghị trình riêng. Các nhà phát triển tô vẽ nhiều dự án tiềm năng như là nỗ lực thực hiện chính sách của Bắc Kinh, nhằm nhanh chóng được phê duyệt khởi công.

Gần khách sạn 5 sao Wyndham ở Yuelai, máy ủi và cần cẩu đang san phẳng vùng đất trước đây là những ngọn đồi phủ đầy cây xanh. Đó chỉ là một trong hàng chục dự án phát triển ở các thị trấn mới ở Trùng Khánh.

Trả lời Bloomberg, một người dân ở Trùng Khánh cho rằng, "các nhà phát triển đã chặt phá rừng để xây dựng các tòa nhà, và rồi lại trồng cây trong nhà để trang trí nhằm biến thành phố thành 'thành phố bọt biển' chỉ để thu về một đống tiền."

Khi tiền được rót vào những chương trình phát triển mới, nhiều dự án "thành phố bọt biển" đã không được chú tâm duy trì. Một trong những dự án đầu tiên của Yuelai, giờ đã chứa đầy rác thải, cỏ hoang mọc um tùm vượt các loài thực vật được trồng để lọc nước mưa.

Tuy nhiên, sáng kiến thành phố bọt biển vẫn là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dần thay đổi và quan điểm chỉ phát triển kinh tế ngày càng ít được người dân đồng tình.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại