Hội nghị giao lưu học thuật về hợp tác phòng chống dịch Covid-19 giữa Trung Quốc và Nga vừa được tổ chức tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc ngày 16/8. Chuyên gia Trung Quốc đã đề cập đến khả năng thử nghiệm vaccine chung giữa hai bên.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều Viện sĩ, chuyên gia học giả hai nước Trung Quốc, Nga và được tổ chức trong bối cảnh Nga vừa tuyên bố đã có vaccine ngừa Covid-19 và sẽ sớm bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vaccine này.
Tại hội nghị, hai bên đã đi sâu trao đổi về nguồn gốc của đại dịch, cách thức lây truyền và cơ chế phát bệnh của virus, cũng như công tác nghiên cứu phát triển thuốc điều trị và vaccine chống Covid-19...
Viện sỹ Chung Nam Sơn, người vừa được nhà nước Trung Quốc tặng thưởng Huân chương Cộng hòa – huân chương cao quý nhất của nước này vì đã có những đóng góp to lớn trong ngăn chặn dịch Covid-19 ở Trung Quốc, trong bài phát biểu tại đây cho rằng, Trung Quốc và Nga có thể học tập lẫn nhau nhiều điều trong phòng chống dịch.
Viện sỹ Chung Nam Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: mạng XKB
Ông đánh giá tiến triển nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Moskva là "rất nhanh", đồng thời cho biết, Trung Quốc cũng có kế hoạch chuẩn bị triển khai việc thử nghiệm lâm sàng vaccine chung với Nga và đây là biểu hiện của tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Trong khi đó, theo thông tin từ Cục sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc, nước này đã có loại vaccine Covid-19 đầu tiên hoàn thành việc đăng ký bản quyền phát minh sáng chế.
Loại vaccine này có tên Ad5-nCoV, do nhóm nghiên cứu của Viện sĩ Trần Vi thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nghiên cứu và phối hợp với tập đoàn CanSino Biologics Inc của nước này phát triển. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được chính thức đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn I trên 108 người tình nguyện hồi tháng 3 và giai đoạn II trên 508 người hồi tháng 4 vừa qua ở Trung Quốc.
Vaccine này đã trở thành loại vaccine đầu tiên trên thế giới chính thức công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II với 99,5% số người tiêm sản sinh kháng thể đặc hiệu, 95,3% có kháng thể trung hòa và 89% có phản ứng miễn dịch tế bào T đặc hiệu sau khi tiêm vaccine 28 ngày, tức có thể cung cấp "3 lớp bảo vệ" cho người khỏe mạnh trước virus SARS-CoV-2.
Với kết quả trên, vaccine Ad5-nCoV được cho là đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để đưa vào sử dụng trong trường hợp khẩn cấp theo luật của Trung Quốc. Theo tiết lộ của báo giới nước này, đã có gần 10.000 người trong quân đội, các nhân viên dầu khí ở nước ngoài và một số người làm việc trong ngành y tế ở Trung Quốc tiêm loại vaccine này.
Hôm 29/6 vừa qua, vaccine Ad5-nCoV đã được phê duyệt để sử dụng trong quân đội Trung Quốc. Ngày 9/8, Bộ Y tế Saudi Arabia thông báo sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III loại vaccine này.
Hồi tháng 7, người đồng sáng lập của CanSino cho biết, hãng này đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Saudi Arabia để khởi động giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Ad5-nCOV./.