Khi mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ chức, chính phủ các nước láng giềng và đối tác của Nhật đang đương đầu với câu hỏi ai sẽ lên làm Thủ tướng Nhật và chính sách ngoại giao thời kỳ Thủ tướng Abe sẽ được người kế nhiệm tiếp nối như thế nào.
Theo báo Nikkei, trong ngày thứ Sáu tuần trước khi mà Thủ tướng Nhật Abe tuyên bố từ chức, Tân Hoa Xã lập tức đăng bài báo khẳng định quan điểm rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Shigeru Ishiba là ứng viên phù hợp nhất để thay thế ông Abe bởi ông nhận được sự ủng hộ từ công chúng theo kết quả của các cuộc khảo sát.
Quan điểm của bài báo này cho thấy hy vọng của Bắc Kinh vào việc nước Nhật sẽ có một Thủ tướng kế nhiệm có chủ trương thân thiện với Trung Quốc.
Trước đó, ông Ishiba từng phàn nàn với bộ phận ngoại giao thuộc đảng LDP về việc họ đã vận động hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc vẫn hy vọng rằng chuyến thăm dù diễn ra muộn nhưng sẽ vẫn mở ra trang mới trong quan hệ hai nước.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc trong khi đó khẳng định Trung Quốc cần xích lại gần hơn nữa với Nhật, đặc biệt khi mà phía Mỹ đang tạo ra liên minh chống Bắc Kinh.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã bắt đầu thu thập thông tin về cuộc chạy đua vào vị trí đầy quyền lực trên chính trường Nhật. Ông nói với cấp dưới của mình: “Cần phải tìm hiểu xem ban lãnh đạo mới của nước Nhật sẽ có chính sách kinh tế như thế nào với Hàn Quốc”.
Quan hệ Nhật và Trung Quốc đã xấu đi xung quanh vấn đề người Hàn Quốc từng bị bắt làm việc cho doanh nghiệp Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhiều doanh nghiệp như Nippon Steel đương đầu với khả năng tài sản của họ có thể bị tòa án Hàn Quốc thâu tóm để đền bù.
“Nhật chắc chắn sẽ vẫn có quan điểm cứng rắn với những vấn đề này dù ai lên làm Thủ tướng đi chăng nữa, tuy nhiên, với ông Ishiba, phía các nước khác vẫn có cửa đàm phán”, nguồn tin của Nikkei nhấn mạnh.
Theo quan điểm chính sách ngoại giao của Thủ tướng Abe, Nhật sẽ vẫn xây dựng quan hệ liên minh với Washington. Tổng thống Trump trong khi đó dường như quan tâm đến việc Thủ tướng Abe từ chức sẽ gây ra ảnh hưởng gì nhiều hơn việc ai là người kế nhiệm ông bởi chính Tổng thống Trump cũng sẽ phải rời Nhà Trắng nếu ông thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020.
Chia sẻ với phóng viên trên chiếc Không lực Một vào ngày thứ Sáu, Tổng thống Trump nói: “Ông ấy yêu đất nước của ông ấy rất nhiều và để ông ấy phải ra đi, tôi thật không thể tưởng tượng điều đó sẽ diễn ra như thế nào”.
Tại Nhật, trợ lý lâu năm của ông Abe đồng thời đang giữ chức Chánh Văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga được kỳ vọng sẽ trở thành Thủ tướng Nhật tương lai. Tuy nhiên trên bình diện quốc tế, các chính trị gia nước ngoài không biết nhiều về ông Suga.
Ở hiện tại, giới truyền thông quốc tế đang dồn thêm sự chú ý vào ông Suga.
Trong quý 2/2020, kinh tế Nhật suy giảm 7,8% so với quý trước đó. Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, kinh tế Nhật tăng trưởng âm 27,8%, theo số liệu mới được Văn phòng Nội các Nhật công bố. Tiêu dùng người dân và xuất khẩu sụt giảm nặng nề do đại dịch Covid-19.
Theo báo Nikkei, việc kinh tế Nhật suy giảm đến quý thứ 3 đánh dấu cho khoảng thời gian đi xuống dài nhất của kinh tế Nhật tính từ năm 1955, cao hơn mức sụt giảm 4,8% của kinh tế Nhật trong khoảng thời gian quý 1/2009 thời kỳ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới bắt đầu với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.
Các chuyên gia kinh tế đã dự báo về khả năng GDP Nhật suy giảm 7,3%, hoặc mức suy giảm 26,3% so với cùng kỳ. Việc kinh tế Nhật suy giảm sâu đã được dự báo từ trước sau khi chính phủ Nhật tuyên bố về tình trạng khẩn cấp trong tháng 4 và tháng 5/2020, xuất khẩu Nhật sụt giảm mạnh khi mà kinh tế Mỹ và châu Âu đều đóng cửa.
Việc kinh tế Nhật sụt giảm quá sâu trong quý 2/2020 đã xóa sạch mọi thành quả của chương trình kích thích kinh tế dưới thời Thủ tướng Abe có tên Abenomics. Thủ tướng Abe đã đưa ra chương trình này trong khoảng thời gian 8 năm dưới thời của ông.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu Meiji Yasuda, ông Yuichi Kodama, khẳng định việc kinh tế Nhật suy giảm mạnh không thể tránh khỏi bởi xét đến những yếu tố bất thường chưa từng có trong thời đại dịch Covid-19. Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất cần quan tâm nhất hiện tại chính là việc đưa nền kinh tế hồi phục trở lại.
“Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Abe chính là kiểm soát được đại dịch Covid-19 để hoạt động kinh tế có thể trở lại bình thường”, ông Kodama khẳng định. Việc giúp khôi phục lại những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 ví như ngành kinh doanh nhà hàng và du lịch là một nhiệm vụ cấp bách, ngoài ra, Nhật cũng cần đẩy mạnh quá trình số hóa nền kinh tế, theo ông Kodama.