Trung Quốc: Mỹ chỉ bá chủ kinh tế toàn cầu 15 năm nữa

Thu Hằng |

Nước Mỹ sẽ chỉ giữ vị trí độc tôn siêu cường kinh tế toàn cầu cho đến năm 2035, trong lúc vai trò của Trung Quốc trong bức tranh kinh tế thế giới sẽ trở nên quan trọng hơn.

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc Vụ viện Trung Quốc (DRC), một cơ quan nghiên cứu tư vấn trực thuộc chính phủ nước này. Bản tóm tắt báo cáo của DRC được đăng tải trên tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) ngày 13/2.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết báo cáo của DRC không đề cập trực tiếp tới mối quan hệ đối địch giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng nội dung được cho là có khuynh hướng “hạ giọng” về những tham vọng kinh tế mà Bắc Kinh đã công khai liên quan tới vị thế của nước này trong nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Nhiều dự đoán đưa ra trước đây đã cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới, hoặc ít nhất cũng giành được danh tiếng là một siêu cường kinh tế toàn cầu trong vòng một thập niên tới.

Hồi tháng 1 năm nay, Ngân hàng Standard Chartered dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2020.

Trung Quốc: Mỹ chỉ bá chủ kinh tế toàn cầu 15 năm nữa - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10/2017 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Dự đoán mới nhất có phần khiêm tốn của DRC được đưa ra trong bối cảnh những nỗ lực vươn ra toàn cầu của Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều trở ngại và viễn cảnh tăng trưởng của nước này xấu đi do căng thẳng thương mại với Mỹ.

Theo báo cáo của DRC, kinh tế Mỹ sẽ chỉ giữ vai trò thống trị toàn cầu cho đến năm 2035, cùng năm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, đã chỉ ra là Trung Quốc sẽ trở thành một “quốc gia cơ bản hiện đại hóa”.

Giáo sư Zhong Wei, làm việc tại trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, bình luận rằng bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến năm 2035 nhưng không bao gồm mục tiêu cụ thể về GDP, do đó đây có thể là thời điểm mà ông dự đoán quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt kịp, hoặc vượt qua Mỹ.

Các nhà nghiên cứu của DRC được dẫn đầu bởi ông Long Guoqiang, từng là Trợ lý của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và hiện là một cố vấn quan trọng cho chính phủ về điều hành các mối quan hệ kinh tế đối ngoại.

DRC nhấn mạnh mặc dù vị thế nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng lên trong vòng hai thập kỷ tới, nhưng sẽ vẫn đứng sau Mỹ. “Nước Mỹ sẽ vẫn là siêu cường kinh tế toàn cầu duy nhất (cho đến năm 2035)”, báo cáo viết. “Trong ngắn hạn, sức tiêu dùng ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và là nhân tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bản báo cáo viết và lấy dẫn chứng là tỉ lệ tăng trưởng 2% trong dài hạn đã được Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự báo.

Trong khi đó, nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ yếu đi; Nhật Bản rớt từ vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới xuống vị trí thứ năm vào năm 2035, trong khi Đức trở thành quốc gia châu Âu duy nhất lọt vào Top 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù Mỹ vẫn là nền kinh tế hàng đầu, “trọng tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chuyển dịch từ Mỹ và châu Âu sang châu Á” vào năm 2035, báo cáo dự đoán.

Trung Quốc: Mỹ chỉ bá chủ kinh tế toàn cầu 15 năm nữa - Ảnh 3.

Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến các vòng đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại trước khi thỏa thuận đình chiến hết hiệu lực vào ngày 1/3.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã đạt 13.100 tỉ USD trong năm 2018, tương đương khoảng 2/3 quy mô nền kinh tế Mỹ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại, xuống 6,6% trong năm ngoái, mức thấp nhất trong 28 năm qua trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực giảm nợ và những khoản vay rủi ro, cũng như căng thẳng thương mại với nước ngoài tăng cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể còn giảm hơn nữa nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang chiến tranh thương mại bằng việc tăng thuế nhập khẩu sau khi thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày kết thúc vào ngày 1/3 tới, trừ phi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại.

Từ năm 2018, Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn trong căng thẳng thương mại với Mỹ khi chỉ lựa chọn những biện pháp trả đũa tương xứng đối với quyết định tăng thuế của ông Trump. Còn trong những tuần gần đây, giới chức Trung Quốc đã công khai cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu thêm hàng hóa Mỹ, mở cửa thị trường, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiến hành những cải cách cấu trúc.

Mặc dù báo cáo của DRC không đề cập cụ thể tới cuộc chiến thương mại đang diễn ra, nhưng văn bản này nhắc đến những ảnh hưởng của cuộc chiến này. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn, báo cáo nhận định. Báo cáo nêu rõ: “Chúng ta sẽ phải xác định rõ tình hình quốc tế, nắm chắc hướng phát triển, tận dụng triệt để các lợi thế của chúng ta và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế”.

Báo cáo của DRC bổ sung thêm rằng đồng nhân dân tệ sẽ không thách thức vị trí thống trị của đồng đôla Mỹ trong hệ thống tiền tệ quốc tế, và Thượng Hải sẽ không thay thế London hay New York với vai trò trung tâm tài chính then chốt toàn cầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Độc giả đọc bài gốc tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại