Trung Quốc muốn phục hưng bằng "Tư tưởng Tập Cận Bình", thách thức lớn nhất là gì?

Ngọc Nguyễn |

Đối với chủ tịch Tập Cận Bình, không có nơi nào trên thế giới là quá xa và quá nhỏ bé với mục tiêu đưa Trung Quốc thành cường quốc thế giới - tờ New York Times bình luận.

Tư tưởng của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Tập Cận Bình từng thực hiện một loạt chuyến công du từ quần đảo Fiji nhỏ bé trên Thái Bình Dương, các quốc gia tại Trung Á cho đến bờ biển phía nam của Australia, gần với Nam Cực.

Trong tháng 10/2017, các chiến hạm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ghé thăm London (Anh), động thái nhắc nhở về sự thay đổi rất lớn kể từ khi Trung Quốc bị Anh và các cường quốc châu Âu bắt nạt trong thế kỷ 19.

Trong báo cáo chính trị trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, ông Tập tái khẳng định mục tiêu đẩy mạnh công cuộc chấn hưng đất nước.

Trọng tâm của kế hoạch này có thể tóm tắt là "Giấc mộng Trung Hoa" - kế hoạch biến Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới trong thế kỷ 21.

Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học nhân dân Trung Quốc, nói với New York Times: "Tác phong ngoại giao quyết liệt của ông Tập Cận Bình chủ yếu xuất phát từ nguyện vọng, niềm tin và đòi hỏi chiến lược của ông."

Đại hội 19 của ĐCSTQ đã thông qua nghị quyết về sửa đổi Điều lệ đảng này, xác nhận Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" được ghi vào Điều lệ.

Nghị quyết ca ngợi các tư tưởng của ông Tập Cận Bình "là thành phần quan trọng trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là phương châm hướng dẫn hành động cho toàn đảng và toàn dân Trung Quốc để thực hiện cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa".

Thời gian qua, cộng đồng thế giới đã và đang chứng kiến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng củng cố từ châu Á, châu Phi, châu Âu và ở cả Nam Mỹ.

Trong bối cảnh chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các chính sách theo phương câm "nước Mỹ trước tiên" (American First), Bắc Kinh đã nổi lên là quốc gia ổn định và tích cực tham gia vào các sự vụ quốc tế.

Điều này xảy ra khi chính quyền ông Trump quyết định quay lưng với quá trình toàn cầu hóa ở Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos và rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ toàn cầu hóa, cũng như tuân thủ Hiệp định Paris.

Giáo sư Thời Ân Hoằng cho rằng, "thái độ phủ định của tổng thống Trump đối với tự do thương mại thế giới và biến đổi khí hậu" đã giúp thúc đẩy lãnh đạo Trung Quốc nắm giữ vai trò linh hoạt hơn trên vũ đài quốc tế.

Trong báo cáo chính trị dài 3 tiếng rưỡi hôm 18, ông Tập chỉ ra những kế hoạch cụ thể để biến "Giấc mộng Trung Hoa" thành hiện thực, bao gồm tăng cường đầu tư nâng cấp lực lượng quân đội, và đẩy mạnh các chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài như sáng kiến "Vành đai và Con đường" để giành thiện cảm từ các nước.

Trung Quốc muốn phục hưng bằng Tư tưởng Tập Cận Bình, thách thức lớn nhất là gì? - Ảnh 1.

Các đại biểu Đại hội 19 giơ tay biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội về báo cáo của Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa 18 trong lễ bế mạc của Đại hội, sáng 24/10 (Ảnh: AP)

Các nước lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc

Sự lo ngại của các nước cũng là thách thức mà chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc khóa 19 phải đối diện trong lộ trình thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa".

Tại Australia, dư luận tranh cãi về quan điểm Bắc Kinh đang ngày càng can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Canberra.

Chính giới châu Âu thì đang cảnh báo về những chiêu thức kinh doanh tinh vi của doanh nghiệp Trung Quốc nhằm thâu tóm các bí mật công nghệ từ nước ngoài.

Theo NYT, đối với trường hợp của Trung Quốc, thách thức không chỉ đến từ các nước phương Tây mà còn ngay từ các quốc gia láng giềng của nước này.

Những tranh chấp lãnh thổ khiến cho quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ rơi vào tình trạng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt".

Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bình Nhưỡng liên tục thử hạt nhân/tên lửa bất chấp Bắc Kinh phản đối, còn Hàn Quốc thì đẩy nhanh triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ để củng cố khả năng phòng vệ.

Mặc dù Trung Quốc đã tích cực tham gia đầu tư vào các dự án đường giao thông tại Đông Nam Á nhằm giành niềm tin từ người dân các nước xung quanh, như Myanmar, Malaysia hay Thái Lan, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Người dân Malaysia lo ngại chính phủ hy sinh các lợi ích quốc gia để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng từ nhà đầu tư Trung Quốc. Còn ở Thái Lan, một dự án đường sắt quan trọng nối từ miền nam Trung Quốc tới đất nước Chùa Vàng đã bị hoãn lại do những bất đồng về kinh phí.

Ngay cả ở Philippines, mặc dù Trung Quốc đã gửi tặng nước này hàng nghìn khẩu súng trường để hỗ trợ chiến dịch đẩy lùi ma túy, và nhận được tiếng nói ủng hộ từ tổng thống Rodrigo Duterte, nhưng vẫn không thể giành được sự tin tưởng hoàn toàn từ chính quyền Manila.

"Số lượng vũ khí gửi tặng không đáng gì so với nhu cầu của lực lượng vũ trang và cảnh sát Philippines," trích lời cựu nghị sĩ Roilo Golez, "5.000 khẩu súng trường là 1 món quà rất nhỏ và chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi".

Trung Quốc muốn phục hưng bằng Tư tưởng Tập Cận Bình, thách thức lớn nhất là gì? - Ảnh 2.

Các đại biểu quân đội dự Đại hội 19 của ĐCSTQ (Ảnh: AP)

Trung Quốc "thử nghiệm" với Australia

Trước khi vươn ra các khu vực quan trọng như châu Âu và Mỹ, Bắc Kinh đã quyết định chọn quốc gia "thử nghiệm" cho các học thuyết mới của mình là Australia.

Theo giới phân tích, Australia là một mục tiêu hấp dẫn bởi vì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đây cũng là nơi tập trung đông người nhập cư và sinh viên Trung Quốc, những đối tượng đóng góp nguồn tài chính dồi dào cho hệ thống trường đại học tại đây.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nhân nước này tham gia tranh cử tại các cuộc bầu cử địa phương, vận động sinh viên Trung Quốc quảng bá chính sách của Bắc Kinh tại các lớp học và tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa tại địa phương để gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với nền chính trị của xứ chuột túi.

Tuy nhiên, đến nay các biện pháp này đều chưa thanh công và để lại những hệ quả không mong muốn.

Lãnh đạo cơ quan tình báo Australia Duncan Lewis đã mô tả các hoạt động của Bắc Kinh là "mối đe dọa đối với chủ quyền Australia, sự thống nhất của các cơ quan chính phủ và việc thực hiện quyền công dân" tại nước này.

Trước tình hình này, chính phủ Australia đang xem xét ban hành các quy định giới hạn cho các khoản đóng góp cho các chiến dịch tranh cử, áp đặt thêm các hạn chế đối với đầu tư từ nước ngoài, và siết chặt các quy định các điều luật về tình báo.

Ông Thời Ân Hoằng lý giải, nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng về quan điểm và chính sách lên các quốc gia khác là "sự phát triển tự nhiên" khi nước này trong quá trình nâng cao hình tượng trên trường quốc tế, bên cạnh vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình

Trung Quốc hiện nay đã sở hữu "nguồn lực tài chính và con người" đồ sộ hơn, và do đó mục tiêu của Trung Quốc cũng to lớn hơn - ông Thời đánh giá.

Một số mục tiêu trọng điểm của Trung Quốc sau Đại hội 19

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại