Đại diện của các bên tham gia kí kết dự án đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan. Ảnh: Railway.supply
Theo trang tin Eurasianet, Trung Quốc mới đây đã ký một thỏa thuận xây dựng một tuyến đường sắt qua Krygyzstan và Uzbekistan để kết nối với châu Âu nhưng không qua Nga, nhằm tránh các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Moskva.
Thỏa thuận giữa Kyrgyzstan, Uzbekistan và Trung Quốc được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan. Thỏa thuận trên đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm thúc đẩy xây dựng một tuyến đường sắt nối giữa 3 nước và khi hoàn thành, sẽ thiết lập một tuyến đường ngắn hơn đến châu Âu, bỏ qua Nga.
Lễ kí kết đã được xác nhận ng báo bởi các bộ giao thông của Kyrgyzstan và Uzbekistan, hai nước đã ký thỏa thuận với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, Uzbekistan đã nhiệt tình đón nhận dự án mà họ coi là một phần của kế hoạch lớn nhằm cải thiện các kết nối giao thông và thương mại về phía tây từ Trung Á đến Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển tiếp sang châu Âu, trên một tuyến đường bỏ qua Nga, vốn bị phương Tây cô lập.
Tuyến đường sắt sẽ bắt đầu tại Torugart, gần biên giới giữa vùng Naryn của Kyrgyzstan và Tân Cương của Trung Quốc, và tiếp tục hướng về phía Bắc qua các khu định cư Arpa và Makmal đến Jalal-Abad, nơi sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Uzbekistan.
Makmal là khu vực có mỏ vàng được điều hành bởi một liên doanh giữa Trung Quốc - Kyrgyzstan với phần lớn quyền sở hữu của Trung Quốc. Bộ trưởng Giao thông Kyrgyzstan Erkinbek Osoyev cho biết tuyến đường dài 280 km trên sẽ có kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ USD, được tài trợ thông qua đầu tư trực tiếp hoặc đối tác công tư.
Ước tính tuyến đường sắt sẽ đi qua nhiều khu vực địa hình đồi núi đòi hỏi xây dựng một loạt các đường hầm (theo báo cáo là 90 đường hầm). Trung Quốc cũng sẽ cần xây dựng 160 km đường ray để kết nối với tuyến mới.
Nếu được hoàn thành, tuyến đường mới này có thể kết nối qua Turkmenistan đến Iran và tới Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngõ vào châu Âu. Do đó, tuyến đường sắt sẽ trở thành một trong những tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến cả thị trường Trung Đông và châu Âu vì nó sẽ rút ngắn hành trình vận chuyển 900 km và tiết kiệm 7 - 8 ngày thời gian di chuyển.
Ngoài ra, dự án đường sắt trên có có tiềm năng rộng lớn hơn, vì nó thiết lập một hành lang phía Nam giữa Trung Quốc và châu Âu, có thể mở rộng hơn nữa đến Trung Đông trong tương lai, bổ sung vào tuyến đường hướng Bắc hiện tại đi qua Nga và Kazakhstan. Các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu đang hoạt động và cùng nhau tạo thành một mạng lưới hậu cần Âu-Á chiến lược mới dọc theo tuyến đường Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.