Việt Nam đang dần chiếm được thị phần trên thị trường sầu riêng Trung Quốc, kể từ khi được xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch vào tháng 7/2022.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 53.110 tấn sầu riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 0,4 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, 32.750 tấn (61,7%) có nguồn gốc từ Việt Nam, trong khi 19.614 tấn còn lại (36,9%) và 745 tấn (1,4%) đến từ Thái Lan và Philippines.
Như vậy, đã có thời điểm, Việt Nam vượt qua Thái Lan để trở thành nhà cung cấp sầu riêng hàng đầu cho Trung Quốc, nhờ nguồn cung trái vụ, trong khi Thái Lan chưa đến mùa thu hoạch. Báo cáo của Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan vào tháng 12 năm ngoái cũng chỉ ra rằng vào tháng 9/2023, Việt Nam là nước xuất khẩu sầu riêng chính vào Trung Quốc.
Sầu riêng Việt Nam đã thực sự là “mối đe dọa” với sầu riêng Thái Lan hay chưa?
Nếu tính chung cả năm, thì trong năm 2023, Thái Lan vẫn là nhà cung cấp sầu riêng tươi chính của Trung Quốc, chiếm tới 65,15% thị phần sầu riêng tươi tại Trung Quốc với lượng xuất khẩu là 928.976 tấn, nhưng Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cũng đã bày tỏ lo ngại về sự vươn lên của đối thủ cạnh tranh, chính là Việt Nam, đứng thứ hai với 34,59% với lượng nhập khẩu 493.183 tấn.
Hiện nay, Việt Nam chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Thái Lan được phép xuất khẩu sầu riêng tươi, đông lạnh và chế biến. Cục này cảnh báo: “Nếu Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, khối lượng xuất khẩu của nước này sẽ còn tăng nữa”. Theo đó, Cục cũng kêu gọi các nhà xuất khẩu sầu riêng và các cơ quan chính phủ tìm cách thúc đẩy xuất khẩu và duy trì thị phần tại Trung Quốc.
Thống kê từ hải quan Trung Quốc cho thấy, sầu riêng tươi nhập khẩu chủ yếu vào 3 tỉnh phía Nam là Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, chiếm gần 2/3 lượng nhập khẩu của cả nước, tương đương khoảng 61,29%. Nếu tính thêm Chiết Giang, một trong những nhà nhập khẩu lớn ở miền đông Trung Quốc, các tỉnh này chiếm tới 71,73% tổng lượng nhập khẩu sầu riêng của cả nước.
Vì lý do vị trí, miền nam Trung Quốc gần với các vùng sản xuất sầu riêng như Thái Lan và Việt Nam, quãng đường vận chuyển ngắn và mất ít thời gian, thủ tục hải quan nhập khẩu cũng nhanh chóng. Đây là lợi thế giúp sầu riêng luôn tươi ngon và bán được giá tốt hơn so với việc vận chuyển đến các cảng phía bắc Trung Quốc.
Quảng Tây, hiện đang là nơi nhập khẩu sầu riêng tươi lớn thứ hai Trung Quốc, với tỷ trọng 18,5%. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước láng giềng giáp Quảng Tây, nên quãng đường vận chuyển ngắn, chi phí vận chuyển thấp và đặc biệt là Việt Nam có mùa thu hoạch sầu riêng tương đối dài hơn so với Thái Lan. Đó là những yếu tố quan trọng khiến nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam (chiếm 52,47%) của Quảng Tây đã vượt qua sầu riêng Thái Lan (chiếm 47,53%) trong năm 2023.
Tỉnh nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nhiều thứ hai là tỉnh Quảng Đông, chiếm 17,36%. Tiếp theo đó là Chiết Giang (11,83%), Vân Nam (10,9%) và Hà Bắc (10,03%).
Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cho rằng, nếu xét đến yếu tố môi trường bên ngoài, thái độ của chính phủ Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường sầu riêng tươi sang các nước khác là thách thức mới đối với sầu riêng Thái Lan. Điều này sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường sầu riêng tươi tại Trung Quốc càng trở nên khốc liệt hơn.
Nếu Việt Nam được cấp thêm mã vùng trồng, cũng như được xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh, chế biến, giá sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thấp hơn so với Thái Lan hơn nữa nhờ lợi thế quy mô. Theo đó, Việt Nam sẽ là một biến số quan trọng ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng Thái Lan. Đặc biệt là thông qua tác động đến giá sầu riêng tại thị trường Trung Quốc.
Ngành sầu riêng Thái Lan đang làm gì?
Theo Thai PBS, hiện nay, Thái Lan đặt ưu tiên hàng đầu cho việc kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu một cách chặt chẽ, nhất quán. Giữ gìn hình ảnh “sầu riêng Thái” tại thị trường Trung Quốc.
Quốc gia này cũng rất mạnh tay trong việc chấn chỉnh hiện tượng xuất khẩu trái phép sầu riêng non, sầu riêng kém chất lượng sang Trung Quốc.
Đặc biệt, Thái Lan cũng tính đến việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản xuất sầu riêng trái vụ trùng với các lễ hội quan trọng của Trung Quốc, nhận thức rõ việc sầu riêng Việt Nam có mùa sản xuất sầu riêng dài hơn ở Thái Lan.
Đồng thời, Thái Lan phát triển các sản phẩm và bao bì sáng tạo để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giúp bảo quản độ tươi của trái cây càng nhiều càng tốt. Ngoài việc tăng thêm giá trị cho sản phẩm, việc này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần khẳng định hình ảnh trái cây Thái Lan là trái cây chất lượng đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
Thái Lan cũng kỳ vọng sẽ tận dụng được chính sách "Miễn thị thực" Thái-Trung, dự kiến sẽ có một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan vào mùa sầu riêng. Cùng với đó, hoạt động sáng tạo nội dung cũng được đề cao để tạo sức lan tỏa và tăng nhận thức về hương vị và kết cấu của “sầu riêng Thái” khác với sầu riêng của các vùng trồng khác.
Việc quan trọng khác được các chuyên gia nhấn mạnh là nghiên cứu kỹ khẩu vị người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài sầu riêng tươi, thị trường Trung Quốc cũng chuộng sản phẩm chế biến sầu riêng thành nhiều món ngọt, mặn như bánh ngọt, pizza, kem… Vì vậy, xuất khẩu cơm sầu riêng cũng cần được tăng cường.
Cuối cùng, tờ Thai PBS cho rằng, mặc dù hiện nay danh tiếng và hình ảnh "sầu riêng Thái" vẫn chiếm ưu thế trong lòng người tiêu dùng Trung Quốc nhưng không thể phủ nhận rằng, sự phát triển về chất lượng và giá cả của đối thủ cạnh tranh là bước ngoặt có thể làm lung lay chỗ đứng của "sầu riêng Thái" trong lòng người tiêu dùng.
Việt Nam cần sớm thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, và bóc múi cấp đông, chế biến
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia nông nghiệp, nếu được xuất khẩu sầu riêng bóc múi cấp đông, thì sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá. Việc xuất khẩu mặt hàng này không phụ thuộc vào mã vùng trồng, như thế có thể phát huy được các vùng trồng xen canh với cà phê.
Bà Thực cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để xuất khẩu sầu riêng so với Thái Lan.
“Sầu riêng Thái Lan thì giá thành cao do chi phí nhân công và cả giá đất trồng cũng đắt, chi phí vận chuyển cũng tốn kém hơn. Mặt khác, dù kỹ thuật trồng của Thái Lan tốt hơn Việt Nam, nhưng nông dân Việt Nam lại chăm chỉ, năng suất tốt hơn” - chuyên gia này nhấn mạnh và cho rằng - “Trong vòng 5 năm nữa, nếu ngành sầu riêng quản lý chặt chẽ, chất lượng tốt, chúng ta ngoại giao tốt và làm thương hiệu mạnh, thì sầu riêng có thể trở thành ngành hàng 5-7 tỷ USD và thậm chí là 10 tỷ USD”.
Việc xuất khẩu sầu riêng tươi đòi hỏi phải có mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Việt Nam hiện có 708 mã vùng trồng và 168 mã cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Thái Lan có hàng nghìn mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm. Nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay thì sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh sẽ mang về khoảng 3,5 tỷ USD.