Các thị trường chứng khoán ở châu Á hôm 9-1 đồng loạt tăng điểm sau khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan trước việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới, cũng như kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không siết chặt chính sách tiền tệ như trước.
Theo Reuters, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 tháng qua.
Cùng ngày, giá dầu thế giới tăng trở lại sau khi có 1 tuần lao dốc. Theo Reuters, giá dầu thô Brent ở Anh và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có lúc tăng lên lần lượt 80,79 USD/thùng và 75,81 USD/thùng.
Vào tuần rồi, giá 2 loại dầu thô này giảm hơn 8%, mức giảm lớn nhất trong tuần đầu năm kể từ năm 2016. Nhận định về diễn biến này, giới phân tích cho rằng nỗi lo về nhu cầu dầu và nguy cơ suy thoái toàn cầu đã giảm bớt sau động thái nói trên của Bắc Kinh.
Hôm 8-1, Trung Quốc mở cửa biên giới lần đầu tiên trong 3 năm khi nước này bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo dự báo, khoảng 2,1 tỉ chuyến đi trong nước sẽ được thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán, gần gấp đôi so với năm 2022.
Hành khách từ TP Hạ Môn - Trung Quốc đến sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 9-1Ảnh: Reuters
Một số chuyên gia nhận định việc Trung Quốc chấm dứt chính sách không khoan nhượng với dịch COVID-19 có thể thúc đẩy nhu cầu đi lại của người dân nước này, cả nội địa và quốc tế. Đã xuất hiện một số dự báo về nhu cầu đi lại bằng hàng không tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trong tuần rồi, theo nhà cung cấp dữ liệu Cirium, các hãng hàng không đã tăng công suất ghế quốc tế đến và đi từ Trung Quốc trong tháng 1 lên 9,5%.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng lượng người đi lại khổng lồ ở Trung Quốc có thể gây ra các đợt bùng phát dịch khác trong bối cảnh các nỗi lo kinh tế vẫn còn đó. Chuyên gia Serena Huang của Công ty Vortexa (Anh) nhận định giá dầu có thể hồi phục nhờ niềm tin gia tăng liên quan đến việc Trung Quốc mở cửa lại. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái chưa biến mất và điều này sẽ khiến giá dầu biến động trong tương lai gần.
Ngân hàng đầu tư Saxo Bank (Đan Mạch) dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức dưới 80 USD/thùng trong quý I/2023 trước khi tăng trở lại lên khoảng 90 USD/thùng, một phần nhờ nhu cầu hồi phục ở Trung Quốc. Trong khi đó, Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) dự báo giá dầu thô Brent và WTI sẽ đạt mức 110 USD và 107 USD/thùng vào giữa năm nay. Theo ngân hàng này, việc Trung Quốc mở cửa lại có thể khiến nhu cầu dầu đạt mức cao kỷ lục trong nửa cuối năm 2023.
Hồi tháng rồi, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm 2023, một phần nhờ tác động từ việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách phòng chống dịch COVID-19. Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng lên mức trung bình 101,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Riêng với Trung Quốc, OPEC cho biết nhu cầu dầu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt mức trung bình 14,79 triệu thùng/ngày năm 2022, giảm 180.000 thùng/ngày so với năm trước đó. Sự sụt giảm này do tác động của cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Thận trọng vẫn còn
Ngay cả khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, người tiêu dùng nước này sẽ cần thêm thời gian để chi tiêu trở lại. Theo đài CNBC, tiêu dùng đã sụt giảm so với tăng trưởng kinh tế tại nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Wind Information (Trung Quốc), doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Dù vậy, nếu tính 6 tháng đầu năm 2022 thì con số này lại giảm 0,7%. Trong năm 2021, doanh số bán lẻ tăng 12,5%.
Hiện có nhiều yếu tố khiến người tiêu dùng ở Trung Quốc phải thận trọng hơn, như thị trường bất động sản suy giảm, mối đe dọa từ biến thể phụ XBB của Omicron, căng thẳng địa chính trị trên thế giới...
Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng nước này đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái. Ông Derek Deng, chuyên gia của Công ty Tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ), kỳ vọng khiêm tốn rằng doanh số bán lẻ năm 2023 sẽ trở lại mức như nửa đầu năm 2022.
Theo đài CNBC, giới phân tích đang theo dõi sát dịp Tết Nguyên đán sắp tới để biết được tâm trạng người tiêu dùng. Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, hầu hết trong số 2,1 tỉ chuyến đi dự kiến trong dịp này là để thăm gia đình, chỉ có 10% là đi du lịch hoặc công tác. Một số chuyên gia cho rằng người Trung Quốc chỉ có thể ra nước ngoài du lịch nhiều trở lại vào kỳ nghỉ lễ tiếp theo đầu tháng 4.