Trung Quốc mất lợi thế "trên trời" tại Úc

Phạm Nghĩa |

Trung Quốc sẽ mất quyền truy cập một trạm theo dõi không gian chiến lược ở Tây Úc khi hợp đồng của họ hết hạn.

Theo thông tin từ Reuters hôm 21-9, Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển (SSC) ký hợp đồng cho phép Trung Quốc tiếp cận ăng ten vệ tinh tại trạm theo dõi không gian nói trên từ ​​khoảng năm 2011. Nó nằm cạnh một trạm vệ tinh của SSC chủ yếu do Mỹ và các cơ quan của nước này, bao gồm Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA), sử dụng.

Công ty nhà nước Thụy Điển nói với Reuters rằng họ sẽ không ký bất kỳ hợp đồng mới nào với Bắc Kinh sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn. Quyết định này sẽ cắt giảm khả năng điều hướng và khám phá không gian của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.

"Với sự phức tạp của thị trường Trung Quốc, do tình hình địa chính trị, SSC quyết định tập trung chủ yếu vào các thị trường khác trong những năm tới" – SSC viết trong e-mail gửi Reuters. Trạm theo dõi không gian nói trên thuộc sở hữu của công ty con của SSC - SSC Space Australia.

Cũng theo SSC, vào tháng 6-2013, Trung Quốc sử dụng trạm vệ tinh Yatharagga, nằm cách TP Perth – Úc khoảng 350 km về phía Bắc để hỗ trợ sứ mệnh không gian Thần Châu - 10.

Các trạm mặt đất là một phần quan trọng của các chương trình không gian vì chúng tạo ra liên kết viễn thông với tàu vũ trụ. Mặc dù các trạm này tích hợp những khả năng khác nhau song chúng có thể được trang bị để điều phối các vệ tinh cho các hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) dân sự và quân sự như Bắc Đẩu của Trung Quốc, GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu (EU) và GPS do Mỹ sở hữu.

Chính phủ Úc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời khi được Reuters liên lạc.

Việc Trung Quốc mở rộng khả năng không gian, trong đó thúc đẩy mạng lưới định vị Bắc Đẩu, góp phần làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Hai bên đang xung đột về một loạt vấn đề, từ công nghệ, thương mại đến các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông.

Úc hiện duy trì liên minh mạnh mẽ với Mỹ, bao gồm hợp tác về các chương trình và nghiên cứu không gian. Trong khi đó, quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Úc và Trung Quốc đang bị rạn nứt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại