Trung Quốc mạo hiểm sức khỏe người dân khi trao thầu cho các cơ sở đốt rác tư nhân giá rẻ

Vũ Uyên |

Mỗi ngày, hơn 520.000 tấn rác do người dân Trung Quốc thải ra môi trường đã bị các nhà máy tư nhân xử lý sai quy chuẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của cộng đồng.

Ngồi bên trong một căn buồng điều khiển với tường kính trong suốt, hai người đàn ông đang mải mê điều khiển những chiếc cần gắp lớn để di chuyển hàng trăm tấn rác thải được tạo ra bởi cộng đồng người tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Trung Quốc mạo hiểm sức khỏe người dân khi trao thầu cho các cơ sở đốt rác tư nhân giá rẻ - Ảnh 1.

Các kỹ sư đang dùng cần di chuyển hàng trăm tấn rác thải giống hệt như trò gắp thú bông ở các khu vui chơi dành cho trẻ em.

Chính phủ Trung Quốc đã xác định việc tái thu hồi năng lượng của rác thải tại những lò đốt rác công nghiệp hiện đại, ví dụ như Tổ hợp xử lý rác – phát điện Cao An Thôn nằm ở quận Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh là phương pháp tối ưu để xử lý hơn 520.000 tấn phế liệu bị người dân vứt bỏ.

"Phát thải từ hoạt động đốt rác tại các tổ hợp của chúng tôi thường thấp và tiên tiến hơn hẳn so với những lò đốt rác cùng loại tại Mỹ hoặc thị trường EU", kỹ sư trưởng Trần Huy chia sẻ.

Tổ hợp này đã được đưa vào hoạt động cách đây 9 tháng trước. Nhiệt độ bên trong khu vực đốt rác thải có thể lên tới khoảng 1.000 độ C, tạo ra nhiệt lượng đủ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của gần 140.000 hộ gia đình khác nhau.

"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là bảo vệ môi trường, đồng thời hoạt động không phải vì vấn đề lợi nhuận.

Do đó, tổ hợp xử lý rác trên cần được đầu tư, xây dựng và vận hành hoàn toàn dựa vào nguồn vốn từ chính phủ. Nhưng hiện trạng trên toàn Trung Quốc lại không hề tích cực như vậy", ông Trần cho biết.

Thực trạng xử lý rác thải tại Trung Quốc

Hiện chỉ có vài tổ hợp đốt rác thải theo công nghệ sạch và thân thiện với môi trường tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các dự án xử lý rác thải lớn được chính quyền phát động thì chúng lại không thể thắng thầu được.

Giám đốc điều hành Trung tâm Hợp tác Năng lượng Tái tạo Đức – Trung ông Tào Quảng Nguyên chia sẻ: "Chính phủ từng cam kết từ giờ cho tới năm 2020, sẽ có ít nhất 40% lượng rác thải tại quốc gia này được xử lý bằng phương pháp đốt".

Mặc dù chính quyền Trung Quốc chấp nhận chi trả cho việc đốt rác tối đa là 70 NDT mỗi tấn, song rất nhiều cơ sở đốt rác tư nhân vẫn chấp nhận mức giá bỏ thầu cực kì thấp.

Năm ngoái, một cơ sở đốt rác đã giành quyền làm chủ trong dự án xử lý rác thải ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang với mức giá vỏn vẹn 20 NDT/tấn.

"Tôi cảm thấy lo ngại khi đa phần các cơ sở đốt rác đều đang được vận hành bởi các công ty tư nhân. Thậm chí, bất cứ đơn vị nào có thể đốt rác với chi phí nhỏ nhất sẽ nghiễm nhiên thắng thầu ở nhiều dự án công.

Vài công ty sẵn sàng xử lý một tấn rác với mức giá chưa tới 30 NDT. Chắc chắn họ chẳng bao giờ sử dụng phương pháp đốt rác sạch đâu", ông Tào quan ngại.

Trung Quốc mạo hiểm sức khỏe người dân khi trao thầu cho các cơ sở đốt rác tư nhân giá rẻ - Ảnh 2.

Mỗi ngày, người dân Trung Quốc vứt bỏ hơn 520.000 tấn rác thải.

Theo các chuyên gia môi trường, những tổ hợp đốt rác tại các đô thị lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải đều có mức chi phí xử lý lên tới khoảng 140 NDT cho một tấn rác thải.

"Con số này cũng chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí đốt rác bằng công nghệ tương tự tại Mỹ, và chưa tới 1/10 chi phí tại Nhật Bản", kỹ sư Trần nói.

Đốt rác theo phương pháp sạch nhất giống ở khu Tổ hợp Cao An Thôn thường yêu cầu nhiệt độ bên ngoài lò đốt phải đạt ít nhất 850 độ C cùng hệ thống lọc khí công nghệ cao nhằm loại bỏ hoàn toàn các loại khí độc sinh ra trong quá trình xử lý rác thải.

Để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên, họ phải đầu tư một lượng vốn ban đầu rất lớn nên chi phí vận hành bị đội lên khá cao.

Trung Quốc mạo hiểm sức khỏe người dân khi trao thầu cho các cơ sở đốt rác tư nhân giá rẻ - Ảnh 3.

Các cơ sở đốt rác thường vì lợi nhuận và sẵn sàng sử dụng các phương pháp sai quy chuẩn với mức giá siêu rẻ.

"Hiện nay, chỉ có một số thành phố lớn mới có thể gánh nổi mức chi phí vận hành phức tạp kia. Còn những khu vực khác thì không thể dành nguồn ngân sách khổng lồ cho việc đầu tư hay nâng cấp công nghệ hiện đại.

Họ vẫn tiếp tục trung thành với những công nghệ cũ với mức giá càng rẻ càng tốt", ông Tào nhận định.

Hậu quả là các lò đốt rác cũ kĩ đã xả ra môi trường một lượng lớn khí thải độc hại và bụi kim loại nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Dĩ nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng tránh né việc công bố thông tin về chỉ tiêu khí thải của hàng loạt cơ sở đốt rác trên. Đây chính là lý do khiến người dân bản xứ có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với hành động nguy hiểm này.

Ông Lưu - một cư dân tại thành phố Bắc Kinh cho biết: "Cứ nhà máy đốt rác nào được lên kế hoạch xây dựng gần thành phố thì đều vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía dư luận".

Giải pháp đã có nhưng vẫn chưa thể hiện thực hoá

Giáo sư Tống Quốc Quân, một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế học môi trường tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã chia sẻ giải pháp cụ thể cho vấn đề rác thải ở Trung Quốc hiện nay.

"Nếu tiến hành phân loại rác thải trước khi đem xử lý thì lượng rác cần đốt sẽ giảm đi một nửa. Và khi có hệ thống tái chế rác thải hiện đại, chúng ta lại có thể giảm thêm được từ 20% đến 30% nữa".

Trung Quốc mạo hiểm sức khỏe người dân khi trao thầu cho các cơ sở đốt rác tư nhân giá rẻ - Ảnh 4.

Trung Quốc vẫn chưa thể hiện thực hoá các giải pháp xử lý rác thải của mình.

Theo Giáo sư Tống, nơi người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn như ở Đài Loan thì các cơ sở đốt rác thậm chí còn không có đủ lượng rác để đốt. Họ chỉ đốt khoảng hơn 0,2kg một ngày trong khi tại Trung Quốc, con số này lên tới hơn 1kg.

Vì Trung Quốc nhiều hơn Đài Loan tới gần 1,3 tỷ dân nên việc thành lập hệ thống phân loại rác thải trở nên rất bức thiết.

"Vì sao họ vẫn chưa thực hiện điều này? Đó là vì những công ty vận hành việc đốt rác thải là một nhóm lợi ích rất lớn, và họ có thể gây ảnh hưởng tới quyết sách của các nhà làm luật.

Trong khi đó, tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận gần như không có bất cứ tiếng nói gì", ông Tống bức xúc nói.

Bản thân vị giáo sư lớn tuổi đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về vấn đề nói trên. Ông biết việc phân loại rác thải tại nguồn là có thể làm được nhưng chính quyền luôn cho rằng nó không hề thực tế.

Trung Quốc mạo hiểm sức khỏe người dân khi trao thầu cho các cơ sở đốt rác tư nhân giá rẻ - Ảnh 5.

Sau hơn 8 năm nữa, người dân Trung Quốc sẽ thải ra môi trường khoảng 1,4 triệu tấn rác mỗi ngày.


Theo một báo cáo mới đây của tổ chức Ngân hàng Thế giới World Bank, trung bình mỗi ngày người dân Trung Quốc sẽ thải ra tới hơn 1,4 triệu tấn rác sau hơn 8 năm nữa – gấp đôi lượng rác thải mà người dân Mỹ dự kiến có thể tạo ra mỗi ngày.

Và ít nhất một nửa trong số rác thải khổng lồ đó sẽ được xử lý trong các lò đốt quan tâm tới vấn đề lợi nhuận nhiều hơn là môi trường.

Chính quyền Trung Quốc cần phải đặt ra câu hỏi: Nếu họ có thể tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng lớn nhất toàn cầu thì tại sao họ lại không thể khiến người dân của mình biết cách phân loại rác thải như ở quốc gia khác?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại