Cuộc chiến tranh giành nhân tài
Mức lương hậu hĩnh, 8 chuyến về thăm nhà được công ty bao trọn gói, thậm chí đến nhà ở cũng được trợ giá một phần lớn. Đó là những khoản đãi ngộ mà công ty Trung Quốc Đại Lục hứa hẹn với một kĩ sư công nghệ dày dặn kinh nghiệm đến từ Đài Loan. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, người này cho biết đó chính là công việc trong mơ của anh.
Trước khi đầu quân cho một công ty sản xuất chip điện tử của Trung Quốc hồi năm ngoái, người kĩ sư nói trên từng làm việc tại một số công ty sản xuất chip điện tử hàng đầu của Đài Loan, trong đó bao gồm cả tập đoàn United Microelectronics Corp (UMC).
Hiện nay anh ta đang phụ trách một nhóm nhỏ trong bộ phận sản xuất tấm wafer (tấm silicon mỏng đã được cấy các vật liệu - một bộ phận của chip điện tử) ở miền Đông Trung Quốc.
Theo Reuters, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt, ngày càng có nhiều chuyên gia công nghệ kì cựu của Đài Loan đi theo những lời mời gọi hấp dẫn của các công ty Đại Lục.
Chính sách thu hút những nhân tài như vậy từ Đài Loan đã trở thành một phần chủ chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng nền công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc Đại Lục, đồng thời giúp họ giảm thiểu phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử.
Được khởi xướng từ năm 2014, chiến dịch chiêu mộ nhân tài của Bắc Kinh càng được đẩy mạnh hơn trong năm nay khi cuộc xung đột thương mại giữa nước này và Mỹ trở nên quyết liệt hơn, và Trung Quốc nhận ra rằng họ đang phụ thuộc quá nhiều vào mặt hàng chip điện tử nước ngoài - linh kiện được dùng trong sản xuất từ điện thoại thông minh cho tới các vệ tinh quân sự.
Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 260 tỉ USD mặt hàng bán dẫn, nhiều hơn cả mặt hàng dầu thô. Trong khi đó, các loại chip điện tử nội địa chỉ đáp ứng được chưa đến 20% nhu cầu trong nước, theo dữ liệu của Hiệp hội Ngành Công nghiệp Bán dẫn.
Theo Reuters, chỉ tính riêng trong năm nay, hơn 300 kĩ sư kì cựu đã chuyển từ Đài Loan sang Đại lục theo những lời mời gọi hấp dẫn của các công ty Trung Quốc.
Trước đó đã có gần 1.000 kĩ sư kì cựu khác của Đài Loan chuyển qua Đại lục, sau khi Bắc Kinh thành lập quỹ 22 tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử hồi năm 2014, theo công ty Tư vấn Quản trị H&L, một doanh nghiệp tuyển dụng của Đài Loan.
Trung Quốc đang tăng cường chiêu mộ các kĩ sư trong ngành sản xuất chip điện tử. Ảnh: Shutterstock.
Trung Quốc "không thiếu tiền"
Cuộc chiến tranh giành các kĩ sư kì cựu đã dấy lên quan ngại ở Đài Loan rằng đảo này có nguy cơ đánh mất một nhân tố kinh tế chủ chốt vào tay Đại lục.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Trung Quốc Đại lục vẫn còn kém xa so với Đài Loan trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip điện tử, ngay cả khi Bắc Kinh có thế mạnh về một số loại chip giá rẻ.
Theo một số quan chức cấp cao của Trung Quốc, nước này đã đẩy mạnh kế hoạch chiêu mộ nhân tài trong ngành công nghiệp bán dẫn từ sau khi Mỹ ra lệnh cấm bán chip điện tử cho hãng công nghệ ZTE, và sau đòn giáng mạnh của Washington vào thuế nhập khẩu đối với 16 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Những đòn giáng trên của Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi thế cạnh tranh của mặt hàng chip điện tử Trung Quốc so với Đài Loan và Hàn Quốc, và về lâu dài có thể ảnh hưởng tới tham vọng về ngành công nghiệp bán dẫn của Bắc Kinh.
Mục tiêu của Bắc Kinh từ nay cho đến năm 2025 là số lượng chip bán dẫn do nội địa sản xuất phải đáp ứng được ít nhất 40% nhu cầu của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang thiếu hụt hơn 300.000 lao động để đạt được mục tiêu năm 2020.
Theo Reuters, mặc dù Trung Quốc cũng nhắm đến các nhân tài người Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng việc chiêu mộ các kĩ sư Đài Loan vẫn dễ dàng hơn do họ có chung ngôn ngữ và nền tảng văn hóa.
Ông Lin Yu-Hsuan, giám đốc công ty tuyển dụng H&L, các kĩ sư đến từ Đài Loan đều cảm thấy mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt của công ty Đại lục rất hấp dẫn. Hầu hết các công ty này đều được quỹ hàng tỉ USD của Bắc Kinh rót vốn.
"Nhiều người trong số họ chia sẻ với tôi rằng: 'Số tiền tôi kiếm được ở Trung Quốc Đại lục trong vòng 3 năm bằng số tiền tôi kiếm được ở Đài Loan trong 10 năm. Nếu cứ tiếp tục thế này, thì có thể tôi sẽ được nghỉ hưu sớm'," ông Lin nói.
Ảnh minh họa: IC.
Ông Steve Wang, phó Chủ tịch tập đoàn Novatek Microelectronics (Đài Loan), cho biết trong vòng 2 năm qua, một số nhân viên của ông đã rời tập đoàn sang Trung Quốc. Ông này thừa nhận công ty Đài Loan khó có thể so bì với những lời đề nghị hấp dẫn của Trung Quốc.
Kĩ sư Đài Loan được nhắc đến ở đầu bài viết này cho biết, bên cạnh mức tăng 50% lương, công ty Trung Quốc Đại lục còn hứa hẹn chi trả 40% tiền mua căn hộ 3 phòng ngủ cho anh, với điều kiện anh này phải cam kết làm việc cho công ty trong hơn 5 năm.
"Trong khi nguồn lực của các công ty Đài Loan chỉ có hạn, thì Trung Quốc lại rất chịu chi", người này nói.
Một lãnh đạo cấp cao của công ty sản xuất chip điện tử Integrated Circuits mới được thành lập ở Thanh Đảo, Trung Quốc, cho biết 1/3 trong số 120 kĩ sư mới được tuyển vào công ty này đến từ Đài Loan.
"Chúng tôi không thiếu tiền. Chúng tôi chỉ cần nhân tài", người này dự đoán xu hướng những người từ đảo Đài Loan chuyển sang Đại lục làm việc sẽ còn tăng lên.
Trước thực trạng chảy máu chất xám về Trung Quốc Đại lục, các công ty Đài Loan vừa phải lo giữ bí mật công nghệ, vừa phải tính kế giữ chân người lao động của họ, điển hình là các sáng kiến sửa đổi quy định về thuế hay các chính sách ưu đãi dành cho nhân viên.
Công ty Đài Loan yêu cầu nhân viên giữ bí mật kinh doanh. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, đối với nhiều kĩ sư Đài Loan, những khoản đãi ngộ của công ty Trung Quốc Đại lục vẫn hấp dẫn và khó cưỡng hơn nhiều so với các sáng kiến mới của doanh nghiệp Đài Loan.
Tommy Huang, một kĩ sư 37 tuổi từng làm việc trong công ty United Semiconductor - công ty liên doanh của Đài Loan và Đại lục - cho biết những khoản đãi ngộ nhằm níu giữ nhân tài của Đài Loan vẫn là không đủ đối với anh này.
Anh Huang cho biết, ngoài mức lương gấp đôi so với công ty Đài Loan, công ty Đại lục còn cam kết sẽ trợ cấp thêm cho anh này 60.000 nhân dân tệ để hỗ trợ gia đình anh chi trả tiền học phí cho cô con gái 5 tuổi.