Các học giả thực hiện nghiên cứu kêu gọi chính phủ tính tới các rủi ro trong kế hoạch tương lai, đặc biệt là các dự án liên quan tới các cơ sở chiến lược như nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng quan trọng trong sáng kiến Vành đai, Con đường.
Nghiên cứu này cũng xác nhận nguy cơ có thể xảy ra sóng thần trên Biển Đông.
“Những rủi ro như vậy cần phải được xem xét trong kế hoạch xây dựng các nhà máy hạt nhân, bến cảng và công trình dự trữ dầu khí trên bờ biển của Trung Quốc trong tương lai”, các nhà khoa học nhấn mạnh trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Trung Quốc.
Kết luận trên được nhóm khoa học từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc đưa ra sau nhiều năm nghiên cứu thực địa.
Theo SCMP, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi 2 nhà khoa học Sun Liguang và Xie Zhouqing lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng về trận sóng thần hủy diệt năm 1076 vào năm 2013. Phát hiện này bao gồm các rặng san hô và đá ngầm bị chôn vùi dưới đáy biển cách bờ biển 200m. Các nhà nghiên cứu tin rằng chỉ có một cơn sóng thần mới có thể đẩy chúng ra xa tới vậy.
Bằng các phân tích trên máy tính trong nhiều năm tiếp theo, họ đưa ra kết luận một trận động đất ở rãnh Manila đã kích hoạt sóng thần tấn công tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam ngày nay cũng như một phần của Thái Lan.
Nhóm nghiên cứu sau đó tìm thấy các mảnh vỡ gốm từ thời nhà Tống (960-1279) trong các lớp trầm tích trên đảo Nam Áo thuộc thành phố Sán Đầu ngày nay. Ngoài ra, họ còn tìm thấy thêm khoảng 15.000 đồng tiền cổ tại một điểm đắm tàu gần hòn đảo này.
Đây được xem là bằng chứng cho thấy đảo Nam Áo từng bị sóng thần tấn công bởi những đồng tiền này chưa từng xuất hiện tại đây trước khi sóng thần xuất hiện.
Từ những phát hiện này, nhóm nghiên cứu kêu gọi giới chức xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về sóng thần trong những năm tới đây.
Theo Science and Technology Daily, Trung Quốc từ năm 2018 đã bắt đầu triển khai hệ thống phao cảnh báo sóng thần gần rãnh Manila. Hệ thống này sẽ giám sát các tín hiệu thủy triều và thông báo cho Bộ Quốc phòng trên đất liền thông qua vệ tinh khi phát hiệu tín hiệu bất thường.