Trung Quốc đang đối mặt với phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế vì đẩy mạnh yêu sách phi pháp trên biển Đông giữa khủng hoảng đại dịch Covid-19, do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Những động thái và giọng điệu căng thẳng gần đây cho thấy Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình Covid-19 để gia tăng sức ép lên các quốc gia Đông Nam Á, qua đó tìm kiếm thêm lợi ích trên biển Đông. "Một mặt, Trung Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao cung cấp trang thiết bị y tế cho những quốc gia khác. Mặt khác, họ tăng cường hoạt động trên biển Đông" - ông Richard Heydarian, cựu cố vấn của chính phủ Philippines, nhìn nhận.
Theo ông Heydarian, có thể xem 2 động thái nêu trên là một phần trong ý đồ của Trung Quốc về việc tận dụng thời cơ chiến lược giữa lúc các nước trong khu vực gồng mình chống đại dịch Covid-19, cũng như giữa lúc Hải quân Mỹ buộc phải tạm hoãn nhiều chiến dịch ở nước ngoài.
Bất chấp khủng hoảng đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành động phi pháp, cũng như vi phạm chủ quyền của các nước khác trên biển Đông. Chẳng hạn, vào đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam, khiến dư luận quốc tế phẫn nộ. Một vụ việc tương tự từng xảy ra vào tháng 6-2019, khi các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Philippines và đâm chìm tàu cá của quốc gia này nhưng được tàu Việt Nam cứu giúp.
Trong những năm gần đây, chiến thuật chính của Trung Quốc là nhằm vào tàu cá của Việt Nam, Malaysia hay Philippines hoạt động trong các vùng biển mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền. Sau đó, họ dùng dữ liệu từ các tàu cá này để làm bằng chứng cáo buộc các quốc gia Đông Nam Á cho phép tàu thuyền hoạt động "trong vùng biển của Trung Quốc" để đánh bắt hải sản hoặc thu thập thông tin tình báo. Cùng lúc, chính phủ Trung Quốc triển khai trạm nghiên cứu đến các đảo nhân tạo phi pháp, cũng như lên kế hoạch triển khai các lò phản ứng hạt nhân đến khu vực để cung cấp năng lượng phục vụ hoạt động thăm dò dầu khí.
Những động thái mới đây, trong đó có việc ngang ngược đòi quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cho thấy cái nhìn rõ hơn về bước đi tiếp theo của Bắc Kinh trong khu vực.
Khi Trung Quốc trở nên "liều lĩnh" hơn, nhiều khả năng họ sẽ tập trung vào dầu khí, cả về hoạt động thăm dò lẫn gây sức ép lên tuyên bố của những quốc gia khác đối với các nguồn tài nguyên dưới đáy biển. Tuần trước, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 của Trung Quốc bị phát hiện hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella, do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành, tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu tập hợp một nhóm tàu lớn tại TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, trong đó có Hải Dương địa chất. Nếu tăng cường các hoạt động thăm dò dầu khí, Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ triển khai thêm chiến hạm và máy bay cảnh báo sớm để bảo vệ các tàu này.
Những động thái ngang ngược gần đây của Trung Quốc đã làm dấy lên một chiến dịch đáp trả hàng hải từ cộng đồng quốc tế. Trong khi Mỹ triển khai tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu tấn công đổ bộ USS America, Úc cử tàu hộ vệ HMAS Parramatta đến biển Đông để thể hiện sự ủng hộ đối với an ninh và ổn định khu vực.
Những động thái này không chỉ để phản đối sự ngang ngược của Bắc Kinh mà còn cho thấy cộng đồng quốc tế sẽ không bỏ qua mọi hành vi hàng hải phi pháp, kể cả giữa khủng hoảng đại dịch.