Cầu Komarnica trên cao tốc Bar-Boljare ở Montenegro. Ảnh: Chính quyền Montenegro
Theo báo South China Morning Post (SCMP), Đại sứ quán Trung Quốc tại Podgorica lập luận rằng số tiền trên chưa đến 25% tổng nợ của quốc gia Balkan này và chi phí dự án tương đối cao do "điều kiện địa chất không thuận lợi".
"Montenegro đã vay 944 triệu USD của Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc Bar-Boljare, chưa bằng 1/4 tổng nợ của nước này. Lãi suất khoản vay cũng chỉ là 2%, tương đối thấp so với tổng nợ của Montenegro" - Đại sứ quán Trung Quốc viết trên trang web.
Cơ quan này cho biết thêm điều kiện địa chất bất lợi là lý do cơ bản dẫn đến chi phí tương đối cao, đồng thời khẳng định đường cao tốc là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất kể từ khi Montenegro độc lập, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch lâu dài, cải thiện tình trạng mất cân bằng trong phát triển kinh tế khu vực và tăng cường kết nối Montenegro với các nước châu Âu.
Bắc Kinh hiếm khi đưa ra tuyên bố chi tiết về các khoản nợ dành cho nước ngoài.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 12-4 tuyên bố họ sẽ không can thiệp vào các khoản nợ mà Montenegro ký với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc năm 2014. Montenegro trước đó kêu gọi sự hỗ trợ từ EU.
Số liệu của chính phủ Montenegro cho thấy nợ nước ngoài của họ đang ở mức 3,69 tỉ USD trong quý III năm ngoái.
Báo cáo của Financial Times chỉ ra rằng đường cao tốc Bar-Boljare là một trong những con đường đắt nhất thế giới với chi phí ước tính khoảng 23,8 triệu USD cho mỗi km.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu châu Á tại Trung Âu Matej Simalcik bình luận: "Quốc gia này (Montenegro) nhiều lần được cảnh báo rằng dự án đường cao tốc là không khả thi nhưng họ quyết định vay của Trung Quốc như 'Kế hoạch B' sau khi bị các chủ nợ phương Tây từ chối cấp vốn".
Các nghiên cứu về tính khả thi được thực hiện vào năm 2006 và 2012 kết luận rằng dự án thiếu tính khả thi về kinh tế. Cả Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đều không muốn tài trợ cho dự án, theo SCMP.