Trung Quốc lên tiếng sau vụ bắt giữ giáo sư Nhật Bản tại Bắc Kinh

Anh Tú |

Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông Nhật Bản tại Bắc Kinh, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản đã xác nhận hôm qua, sau khi báo chí đưa tin rằng một giáo sư đại học đang bị phía Trung Quốc giam giữ vì nghi ngờ gián điệp.

Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông Nhật Bản tại Bắc Kinh, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản đã xác nhận hôm qua, sau khi báo chí đưa tin rằng một giáo sư đại học đang bị phía Trung Quốc giam giữ vì nghi ngờ gián điệp.

"Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc xác nhận rằng một người đàn ông Nhật khoảng 40 tuổi đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ tại Bắc Kinh vào tháng 9 với cáo buộc vi phạm luật pháp Trung Quốc", phát ngôn viên chính phủ Yoshi Suga thông báo.

Ông Suga không nêu rõ các cáo buộc chống lại người bị bắt, nhưng truyền thông địa phương đã xác định đó là giáo sư từ Đại học Hokkaido. Người đàn ông chưa được nêu tên này, trước đây đã làm việc cho Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

"Trong khuôn khổ bảo vệ người Nhật Bản ở nước ngoài, chúng tôi đang tổ chức các cuộc gặp giữa (người đàn ông bị bắt) với lãnh sự và kết nối liên lạc với người nhà của ông ấy, nhưng chúng tôi xin phép từ chối bình luận về các chi tiết về bản chất của vụ việc này", Suga nói.

Trung Quốc cũng bắt giữ 6 công dân Nhật Bản vào năm 2017 vì cáo buộc "hoạt động bất hợp pháp". Kể từ năm 2015, ít nhất 13 công dân Nhật Bản - tất cả thường dân - đã bị giam giữ tại Trung Quốc với nhiều tội danh khác nhau bao gồm gián điệp, Kyodo News và Asahi Shimbun đưa tin.

Mối quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh đã có lúc căng thẳng bởi các hàng về tranh chấp lịch sử và lãnh thổ nhưng gần đây đã được cải thiện khi Trung Quốc chịu áp lực từ thương chiến với Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn dự kiến ​​sẽ đến Nhật Bản vào đầu năm tới để thúc đẩy quan hệ 2 nước. Thế nhưng, vụ bắt giữ mới nhất lại diễn ra trong thời điểm nhạy cảm khi Phó chủ tịch Vương Kì Sơn sẽ có mặt tại Nhật vào hôm nay để dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito.

Tại cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua, phóng viên đề cập đến vụ bắt giữ giáo sư Nhật và đặt câu hỏi: “Phía Trung Quốc đã làm rõ nguyên nhân của việc giam giữ đối với phía Nhật Bản chưa? Một số người ở Nhật Bản nói rằng sự cố này có thể làm giảm động lực cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, xin hỏi nhận xét của bà?”

Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Bạn sẽ cần hỏi bộ phận có thẩm quyền để biết chi tiết cụ thể về vụ việc. Tôi có thể đảm bảo với bạn, Trung Quốc là một quốc gia có luật pháp. Cơ quan có thẩm quyền không giam giữ công dân nước ngoài mà không có lý do chính đáng. Như tôi vừa nêu, phía Trung Quốc xử lý các công dân nước ngoài đã vi phạm luật pháp Trung Quốc theo luật định. Trong trường hợp cụ thể này, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tiếp cận lãnh sự cho các quan chức Nhật Bản dựa trên Thỏa thuận về Quan hệ lãnh sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản sẽ nhắc nhở công dân của mình tôn trọng luật pháp và quy định của Trung Quốc và không tham gia vào các hoạt động phi pháp và phạm tội ở Trung Quốc.

Một số người cho biết trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ song phương. Chà, tôi nghĩ cách giải thích hay suy đoán như vậy chắc chắn là một sự cường điệu. Không cần phải liên kết một trường hợp riêng biệt với các mối quan hệ tổng thể, đó là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt. Như tôi đã nói, Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự lễ lên ngôi của Hoàng đế Naruhito vào ngày mai. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản để đảm bảo quan hệ song phương có thể tiến lên đúng hướng”.

Theo Japan Today, Bắc Kinh đã tăng cường giám sát các tổ chức và cá nhân nước ngoài với danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, đặc biệt sau khi luật chống đối có hiệu lực vào năm 2014 và tiếp đến là luật an ninh quốc gia năm 2015.

Trung Quốc đã bị một số nước phương Tây cáo buộc sử dụng sự giam giữ người nước ngoài như một công cụ chính trị mà mới nhất là Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi đó là "ngoại giao con tin".Các mối quan hệ Canada-Trung Quốc đã trở nên tồi tệ kể từ khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Trung Quốc, Mạnh Vãn Châu theo lệnh bắt từ Mỹ vào cuối năm ngoái. Lập tức 9 ngày sau đó, Bắc Kinh đã bắt giữ hai người Canada và cáo buộc họ làm gián điệp.

Ngoài ra, Yang Jun, một học giả người Úc, người cũng có bút danh là Yang Hengjun, hồi đầu năm cũng đã bị giam giữ ngay sau khi trở về Trung Quốc từ Mỹ. Bắc Kinh gần đây thông báo Yang đã chính thức bị bắt vì nghi ngờ làm gián điệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại