Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh vào ngày 20-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nêu rõ: "Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên nên giữ bình tĩnh và kiềm chế, cùng nhau hợp tác thông qua đối thoại và tham vấn để giảm bớt căng thẳng và giảm thiểu rủi ro chiến lược".
Ông Lâm nói thêm: "Về vấn đề Ukraine, lập trường của Trung Quốc nhất quán và rõ ràng. Lập trường của Trung Quốc trong việc khuyến khích tất cả các bên xuống thang tình hình và cam kết giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn không thay đổi. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này".
Trước đó, vào ngày 19-11, Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt những thay đổi đối với Nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước của Liên bang Nga về răn đe hạt nhân.
Theo điện Kremlin, học thuyết mới của ông Putin khẳng định mục tiêu chính của Nga là thực hiện khả năng răn đe hạt nhân "chống lại kẻ thù tiềm tàng", và Moscow coi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "biện pháp cực đoan".
Vào tháng 1-2022, vài tuần trước khi xung đột ở Ukraine xảy ra, Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhắc lại tuyên bố chung này từ khi xung đột bùng phát.
Đồng thời, Bắc Kinh bày tỏ sự không hài lòng với việc mở rộng "ô hạt nhân" của Mỹ, một chính sách răn đe nhằm bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa hạt nhân. Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm trong khu vực lân cận của Trung Quốc.
Cho đến nay, Washington đã phản đối lời kêu gọi của Trung Quốc về việc áp dụng chính sách được gọi là "không sử dụng trước", một cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân như một khả năng phòng ngừa hoặc tấn công trước, hoặc để đáp trả một cuộc tấn công thông thường.
Tuy nhiên, theo tạp chí Newsweek, Mỹ và Trung Quốc gần đây tìm cách xây dựng lòng tin về các vấn đề chiến lược bằng cách thông báo cho nhau về các cuộc thử tên lửa hạt nhân (Trung Quốc tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-41 vào cuối tháng 9; Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III 9 vào đầu tháng này).
Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), một nhóm nghiên cứu tại Washington, kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Nga vẫn nhiều nhất thế giới.
Theo dữ liệu của FAS, đầu đạn của Nga - bao gồm cả đầu đạn đã triển khai, dự trữ và đã ngừng sử dụng - ước tính là 5.580. Mỹ có 5.044 đầu đạn, Trung Quốc có 500 đầu đạn.