Trung Quốc vừa công bố lịch Xuân vận - hành trình người lao động đổ về quê nghỉ Tết Nguyên đán - sẽ kéo dài 40 ngày trong năm nay, từ 28/1 - 8/3 (16/12/2020 - 25/1/2021 âm lịch).
Được xem là "cuộc di cư lớn nhất hành tinh", đường bộ, đường sắt và hàng không Trung Quốc từng vận chuyển gần 3 tỉ lượt hành khách trong đợt Xuân vận 2019. Theo Tân Hoa Xã, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Xuân vận 2020 chỉ vận chuyển 1,476 tỉ lượt khách, giảm 50,3%.
Trong bối cảnh đó, số liệu báo cáo ngày 10/1 cho thấy, Trung Quốc ghi nhận 103 ca COVID-19 cùng hàng chục ca không triệu chứng.
Trước nhận định dịch bệnh dễ bùng phát trong đợt Xuân vận về quê đón Tết, Trung Quốc đã thành lập Tổ công tác Xuân vận gồm 15 bộ ban ngành thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Quốc gia nhằm triển khai nhanh các giải pháp chống dịch đồng bộ, quyết liệt.
Dù chưa cấm nhưng phần nhiều các địa phương đều khuyến cáo người dân hạn chế thấp nhất đi lại trong dịp Tết. Ai ở đâu ăn Tết ở đó.
Người dân Trung Quốc về quê ăn Tết trong những năm trước
Ngay từ cuối năm 2020, chính quyền Bắc Kinh đã ra thông báo khuyến cáo người dân không nên rời khỏi TP nếu không có việc cần thiết, trong khi cán bộ nhân viên cơ quan, DN nhà nước đi đầu thực hiện đón Tết ở Thủ đô.
Thủ phủ "công nghệ" Thâm Quyến cũng đã ra thông báo công chức, đơn vị sự nghiệp, nhân viên DN nhà nước phải xin phép khi rời khỏi đặc khu, các công ty khác cố gắng bố trí về quê tránh đợt cao điểm, khuyến khích đón tết ở đặc khu.
Hôm 3/1 vừa qua, Lâm Tuyền, tỉnh An Huy - địa phương có nhiều lao động xa quê tại các TP lớn - đã gửi thư tới từng nhà để kêu gọi: "Kiên quyết không về quê khi không thật sự cần thiết. Kiến nghị thông báo cho người nhà làm việc xa quê ở lại TP đón tết, có thể chúc Tết qua WeChat, điện thoại...".
Ngoài ra, các trường đại học, các doanh nghiệp cũng được khuyến cáo linh hoạt cho sinh viên - người lao động nghỉ Tết nhiều đợt. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các địa phương giấu dịch.