Trung Quốc lập ADIZ Biển Đông: Điểm yếu được Nga "lấp đầy"

Thiên Nam |

Hiện nay, hai điểm yếu lớn nhất của Không quân Hải quân Trung Quốc trong việc lập ADIZ trái phép trên Biển Đông có thể sẽ được Nga giúp đỡ khắc phục.

Trung Quốc lùng sục mua máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu

Trong kỳ trước với tiêu đề “Nga giúp Trung Quốc đủ lực lập ADIZ trên Biển Đông?” chúng ta đều biết rằng, hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sắp sửa đơn phương lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) phi pháp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, các đảo xa nhất ở khu vực Trường Sa cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 1.200 km (tính đường thẳng), cách đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa cũng vào tầm gần 1.000 km, các máy bay chiến đấu nước này sẽ không đủ khả năng tuần tiễu nếu xuất phát từ các sân bay ở đó.

Do đó, để tuần tiễu trên một vùng biển rất rộng như Biển Đông, Trung Quốc phải cần đến số lượng lớn các máy bay tiếp dầu, đồng thời phải triển khai các cơ sở bảo đảm ở các đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp, do đó cũng cần có máy bay vận tải lớn hơn so với Y-8.

Hiện Trung Quốc đang lùng sục khắp thế giới để mua lại các máy bay vận tải hạng nặng Il-76 của Nga. Ví dụ như việc nước này lùng mua một chiếc Il-76 mang số hiệu sản xuất 1023410339, bay lần đầu vào ngày 21/5/1993, sau đó gia nhập một hãng hàng không của Uzbekistan.

Vào tháng 4 năm 2004, chiếc máy bay này được đưa vào kho niêm phong cất giữ. Đầu năm 2015, Bắc Kinh đã mua lại nó và đến tháng 7 năm 2015, chiếc Il-76 này bắt đầu được Trung Quốc “mông má” rồi nâng cấp lại để kéo dài tuổi thọ và đưa vào sử dụng.

Hiện nay không quân Trung Quốc (PLAAF) rất thiếu máy bay tiếp dầu, đây cũng là điểm yếu nhất của không quân nước này. PLAAF hiện chỉ có 10 máy bay tiếp dầu H-6Y (được hoán cải từ máy bay ném bom H-6).

 Trung Quốc lập ADIZ Biển Đông: Điểm yếu được Nga lấp đầy - Ảnh 1.

PLAAF hiện chỉ có 10 máy bay tiếp dầu H-6Y, có tính năng hạn chế

Tuy nhiên, loại máy bay tiếp dầu này cũng giống như các phiên bản dòng H-6 khác, vốn được chế tạo theo nguyên mẫu máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô nên chỉ mang được một khối lượng nhiên liệu hạn chế.

Ngoài ra, HY-6 cũng không thích hợp với tất cả các dòng máy bay chiến đấu của Nga mà Không quân và Hải quân Trung Quốc đang triển khai. Điều này làm hạn chế rất nhiều khả năng vươn xa của không quân nước này nên Bắc Kinh luôn tìm kiếm một mẫu máy bay tiếp dầu hạng nặng như Il-78.

Trung Quốc đã đặt mua 3 máy bay tiếp dầu Il-78 của Ukraine vào năm 2011. Những chiếc Il-78 này vốn được biên chế cho trung đoàn tiếp dầu trên không 409 thuộc sư đoàn ném bom chiến lược 105 Liên Xô đóng tại Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã, nước này được sở hữu những chiếc máy bay trên.

Đến năm 1993, Ukraine đã hoán cải các máy bay Il-78 sang mục đích dân sự (các thiết bị tiếp dầu trên không bị tháo bỏ). Kể từ năm 2001, 3 chiếc Il-78 được đưa vào diện bảo quản lâu dài tại sân bay Melitopol, sau đó Trung Quốc mua lại 3 chiếc này với giá 44,7 triệu USD.

Tuy nhiên, hiện nay Nga mới chính là người hỗ trợ đắc lực nhất cho Trung Quốc, khi giúp nước này xây dựng năng lực vận tải và tiếp dầu trên không, nối dài phạm vi tác chiến cho máy bay chiến đấu của PLAAF, hiện thực hóa mưu đồ thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Nga giúp Trung Quốc có khả năng tiếp vận tầm xa trên biển

Để đảm bảo phục vụ hậu cần - kỹ thuật cho các căn cứ quân sự phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, Trung Quốc cần có những máy bay vận tải cỡ lớn hơn Y-8, trong khi dây chuyền Y-20 vẫn chưa ra đời và sau này cũng cần rất nhiều thời gian để sản xuất đủ số máy bay.

Do đó, từ hàng chục năm qua, Trung Quốc đã tích cực mua sắm và nhờ Nga tân trang các máy bay Il-76 để làm máy bay vận tải và hoán cải thành máy bay tiếp dầu.

Trung Quốc định đặt mua 34 máy bay vận tải Il-76 hoàn toàn mới của Nga vào năm 2005 nhưng do một số trục trặc nên không thành công.

Đến năm 2010, Bắc Kinh đã ký được thỏa thuận với Moscow, mua 10 máy bay vận tải cỡ lớn Il-76 đa qua sử dụng, được tân trang gần như mới hoàn toàn. Lô máy bay này sẽ được bổ sung vào phi đội máy bay vận tải chiến lược Il-76 của Không quân nước này.

Đến năm 2012, Nga đã hoàn tất bàn giao cho Trung Quốc 10 chiếc, sau đó Moscow tiếp tục bán cho Bắc Kinh 10 chiếc Il-76 tân trang mới.

Trong 2 năm 2014 và 2015, Công ty cổ phần tổ hợp hàng không Ilyushin trực thuộc Tập đoàn chế tạo hàng không liên hợp Nga đã tân trang 10 máy bay Il-76 cho Trung Quốc, năm 2014 đã hoàn tất 3 chiếc, năm 2015 hoàn thành nốt 7 chiếc còn lại.

Ngoài ra, Ilyushin cũng đã hoán cải một lô máy bay vận tải cỡ lớn Il-76 thành bay tiếp dầu trên không Il-78 cho Trung Quốc. Tháng 5/2015, tại sân bay Zhukovski ở ngoại ô Moscow, 2 chiếc Il-76 đã biến thành Il-78 và tiến hành bay thử.

Theo truyền thông Nga, căn cứ vào yêu cầu của Trung Quốc, việc cải tiến đối với lô máy bay vận tải quân sự hạng nặng Il-76 này phải làm cho tuổi thọ của những máy bay vận tải cũ này tăng thêm 5.000 giờ hoặc tương đương 2.500 lượt bay hoặc ít nhất 5 năm sử dụng với cường độ cao.

Tuổi thọ của máy bay vận tải Il-76 là 30.000 giờ bay hoặc 10.000 lượt bay. Tuổi thọ máy bay thiết kế hoạt động với cường độ cao là 20 năm, nhưng thông qua kéo dài tuổi thọ, hạn sử dụng của lô máy bay này có thể sẽ tăng thêm tối đa là 10 năm nữa.

Hiện nay, Nga đang phát triển phiên bản nâng cấp mới nhất, hiện đại hóa sâu của Il-76 là Ilyushin Il-476 (hay còn gọi là Il-76-MD-90A), với hệ thống kiểm soát bay kỹ thuật số, động cơ cải tiến PS-90A-76 công suất lớn, tiết kiệm nhiên liệu và hệ thống điện tử mới.

Trung Quốc đã ngỏ ý muốn mua máy bay vận tải thế hệ mới nhất của Nga là Il-476 và phiên bản tiếp dầu của nó là Il-478, nhưng hiện nay mới chỉ có máy bay vận tải Il-476 là đã hoàn thiện, còn máy bay tiếp dầu Il-478 vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Nga giúp Trung Quốc nâng cao năng lực tiếp dầu trên không

Hiện nay, Trung Quốc chỉ có 10 chiếc máy bay tiếp dầu trên không HY-6 (hay còn gọi là H-6Y), được cải tạo từ máy bay ném bom H-6. Loại máy bay tiếp dầu này có năng lực chuyên chở dầu rất hạn chế, sức chở tối đa được 30 tấn dầu, thông thường chỉ 20 tấn.

 Trung Quốc lập ADIZ Biển Đông: Điểm yếu được Nga lấp đầy - Ảnh 3.

Chiếc Il-76 của Trung Quốc đang được Nga hoán cải thành máy bay tiếp dầu Il-78 tại sân bay Zhukovski ở ngoại ô Moscow

Trong khi đó, chỉ tính riêng tiêm kích hạng nặng Su-30MK2 một lần tiếp nhận dầu đã hết 9,5 tấn, nên mỗi lần tiếp liệu, HY-6 chỉ đảm bảo được cho từ 2 đến 4 máy bay. Xét mặt chiến thuật, hiệu quả của nó là không cao,

Do thiếu máy bay tiếp dầu, hiện nay đa phần các loại máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng phương thức "tiếp dầu đồng đội", nhưng hiệu quả của nó rất thấp, số lượng nhiên liệu tiếp được rất ít vì tải trọng hữu ích của các máy bay chiến đấu thường là dưới 10 tấn.

Do nhu cầu mua sắm máy bay tiếp dầu đang ngày càng cấp bách, Bắc Kinh đã lùng sục mua thêm máy vận tải Il-76 đã qua sử dụng của Belarus, Ukraine, Uzbekistan…, nhưng trong đó chủ yếu là Nga và nhờ chính Moscow chuyển đổi thành máy bay tiếp dầu.

Sau khi biến Il-76 thành Il-78, nó có thể chở tối đa được 60 tấn dầu, thông thường cũng mang được 50 tấn, khả năng tiếp nhiên liệu trên không đạt 900 đến 2.200 lít mỗi phút, rõ ràng về mặt chiến thuật có hiệu quả rất cao, tính về lượng hơn HY-6 tới 2,5 lần.

Việc chuyển đổi Il-76 thành Il-78ME là điều không quá khó đối với Nga, bởi Il-78 được phát triển trên nền tảng của Il-76. Hơn nữa, Il-76MD là máy bay vận tải, việc lắp đặt các bể chứa chỉ cần cho vào các hầm hàng, sau đó đặt hàng hãng UPAZ - Nga sản xuất ống tiếp nhiên liệu.

Tờ Nhân dân Nhật báo từng nhận định, khi thực hiện nhiệm vụ tầm xa, một máy bay Il-78 với tầm hoạt động tối đa 7.300 km có thể tiếp liệu cho 8 máy bay chiến đấu.

 Trung Quốc lập ADIZ Biển Đông: Điểm yếu được Nga lấp đầy - Ảnh 4.

Có Il-76 và Il-78 Không quân Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát ADIZ phi pháp trên Biển Đông

Nếu Không quân Trung Quốc có loại máy bay tiếp dầu này, khả năng hành trình của các chiến đấu cơ sẽ được nâng lên khoảng 7.000 km. Như vậy, khả năng cơ động và vận chuyển tầm xa của Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể.

Bên cạnh đó, Il-8 có thể tiếp nhiên liệu cho máy bay cảnh báo sớm A-50, vốn được phát triển trên nền tảng của Il-76 - cũng là khung thân của chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc. Vì vậy, Il-78 có thể tiếp liệu cho KJ-2000, nâng cao phạm vi tuần tiễu trên không của nó.

Kết luận

Hiện nay, sau khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận liên quan đến vấn đề Ukraine, Nga đang chuyển hướng về phía Đông để "tìm lối thoát". Ngoài sự hợp tác về mặt kinh tế, Moscow và Bắc Kinh đang có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự rất chặt chẽ.

Có thể nhận định rằng, việc Trung Quốc mua thêm được máy bay vận tải Il-476 và máy bay tiếp dầu Il-478 là điều hoàn toàn có thể trong tương lai. Khi đó, nước này sẽ có năng lực vận tải và tiếp liệu trên không tầm xa rất mạnh.

Tuy nhiên, ngay cả trong thời điểm hiện nay, việc Nga bán máy bay vận tải Il-76 và và hoán cải nó thành máy bay tiếp dầu Il-78 đã giúp Trung Quốc có đủ những yếu tố cần thiết để xây dựng và quản lý Vùng nhận dạng phòng không trái phép trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại