Tàu sân bay Phúc Kiến lần đầu xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc
Bản tin tối ngày 2/1 của CCTV13 cho thấy, Phúc Kiến - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ, với 3 máy phóng và có sự xuất hiện của một máy bay chiến đấu dường như là J-15 trên sàn đáp.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đây là lần đầu tiên tàu sân bay Phúc Kiến xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc kể từ tháng 4/2023, và là một phần trong động thái phản ứng của quân đội nước này trước lời kêu gọi "phục hưng quốc gia" của Chủ tịch Tập Cận Bình vào dịp năm mới - một thuật ngữ bao gồm việc thống nhất Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
SCMP nhận định, việc giới thiệu tàu sân bay trên một chương trình truyền hình nhiều người xem của CCTV như vậy có thể báo hiệu sự tin tưởng của Bắc Kinh đối với quá trình phát triển tàu.
Theo SCMP, Liêu Ninh và Sơn Đông - hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - phóng máy bay bằng đường dốc cất cánh kiểu "nhảy cầu". Trong khi đó, hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay Phúc Kiến được cung cấp năng lượng bằng nam châm điện, cho phép máy bay được phóng thường xuyên hơn và mang theo nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn.
Mỹ là quốc gia duy nhất có tàu sân bay được trang bị công nghệ phóng máy bay điện từ.
Bản tin trên CCTV cũng cho thấy tàu sân bay Phúc Kiến rời khỏi vị trí neo đậu thường ngày tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải nhưng không rõ ở đâu.
Theo hình ảnh vệ tinh, trong 10 ngày gần đây, tàu Phúc Kiến đã quay trở lại ụ khô tại xưởng đóng tàu nơi nó được đóng sau khi được chuyển đến một bãi cạn vào tháng 6/2022.
Yin Hongxin - một sĩ quan hải quân Trung Quốc - cho biết trong bản tin rằng, con tàu đã trải qua các cuộc thử nghiệm neo đậu "theo kế hoạch".
Theo SCMP, tàu sân bay Phúc Kiến vẫn chưa trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển để kiểm tra các hệ thống và bộ phận của nó. Vào tháng 11/2023, các video bị rò ri trên mạng cho thấy một cuộc thử nghiệm tải trọng liên quan đến một phương tiện có bánh xe được phóng ra khỏi sàn đáp của tàu sân bay này.
Tàu sân bay Phúc Kiến di chuyển vị trí, tiến gần tới thử nghiệm trên biển
Song Zhongping - cựu chuyên gia của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc - cho biết tàu Phúc Kiến có thể sẽ được đưa vào ụ cạn để tiến hành cải tiến sau các cuộc thử nghiệm neo đậu. Nó cũng có thể được di chuyển để thân tàu có thể được làm sạch và khử từ.
Theo ông Song, quá trình khử từ sẽ giúp vô hiệu hóa từ trường của tàu, vì nếu từ trường không được kiểm soát sẽ khiến các vũ khí và cảm biến nhạy cảm từ tính phát hiện ra tàu dễ dàng hơn.
"Sứ mệnh chạy thử trên biển rất quan trọng nên tàu Phúc Kiến sẽ không cập cảng lâu", ông Song nói.
Ông Song không suy đoán về việc tàu Phúc Kiến sẽ ở lại xưởng đóng tàu bao lâu, nhưng nói rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào khối lượng công việc phải thực hiện trên tàu sân bay.
Bản tin của CCTV cũng cho thấy giàn giáo trên cấu trúc "đảo" của trung tâm chỉ huy tàu sân bay Phúc Kiến. Sàn đáp cũng chưa được sơn.
Theo SCMP, Phúc Kiến - tàu sân bay Type 003 - được hạ thủy vào năm 2022. Việc hoàn thành tàu này sẽ đưa Trung Quốc đến gần hơn mục tiêu xây dựng lực lượng "hải quân nước xanh" (có thể hoạt động trên biển mở rộng đến viễn dương và khu vực biển sâu, có đủ năng lực tác chiến viễn chinh) và mục tiêu có ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035.
Quân đội Trung Quốc cũng sử dụng các tàu sân bay trong các hoạt động nhắm vào đảo Đài Loan (Trung Quốc), nơi mà Bắc Kinh cho rằng phải được thống nhất với Đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Theo SCMP, tàu sân bay Sơn Đông đã được bố trí ở phía đông đảo Đài Loan trong một cuộc tập trận lớn của quân đội Trung Quốc vào tháng 4/2023, mà các nhà phân tích cho rằng nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ lực lượng nước ngoài nào đến viện trợ cho hòn đảo này.
Chiến dịch của ông Tập Cận Bình lập kỷ lục: Con số đặc biệt làm các "hổ" Trung Quốc ngày càng khiếp sợ