"Họa vô đơn chí"
Dịch tả lợn châu phi và cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi có thể đẩy giá của 2 mặt hàng trọng yếu tại Trung Quốc, đúng vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế nước này, cây viết Cary Huang nhận định trong bài phân tích đăng trên SCMP.
Theo ông Huang, không có loại hàng hóa nào có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị và ngoại giao đối với Bắc Kinh như thịt lợn và dầu. Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là nguồn tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới và là bên nhập khẩu dầu hàng đầu.
Đó là lý do vì sao trong khi các nước khác dự trữ xăng và cây trồng thì Trung Quốc lại tính trữ thịt lợn. Người Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ hơn một nửa sản lượng thịt lợn toàn cầu. Chính quyền Trung Quốc từ trung ương tới địa phương đều duy trì dự trữ chiến lược đối với mặt hàng này kể từ những năm 1970.
Còn về dầu khí, Trung Quốc đã xây dựng những hệ thống dự trữ dầu chiến lược đầu tiên năm 2006. Hiện nay Trung Quốc được cho là đang quản lý một trong những kho chứa lớn nhất thế giới. Đứng thứ hai thế giới về tiêu thụ dầu khí, Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Năm ngoái Bắc Kinh nhập hơn 70% lượng dầu thô mà nước này cần.
Duy trì nguồn cung đều đặn cho các kho dự trữ thực phẩm và năng lượng chiến lược này có ý nghĩa sống còn đối với Trung Quốc bởi tình trạng thiếu hụt có thể dẫn tới lạm phát giá cả.
Thế nhưng, họa vô đơn chí. Dịch tả lợn châu phi bùng phát và cuộc tấn công gần đây vào hai cơ sở dầu khí của Ả Rập Saudi đã xảy ra vào một thời điểm bất lợi đối với Trung Quốc, khi nước này vốn đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế.
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ Ả Rập Saudi sau khi giảm số lượng nhập khẩu từ Mỹ - do căng thẳng thương chiến kéo dài, và từ Iran - do kết quả từ cấm vận của Mỹ nhằm vào Tehran.
Số lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Ả Rập Saudi tăng 38,5% trong nửa đầu năm nay (so với năm trước). Và Ả Rập Saudi trở thành nguồn cung lớn nhất cho Trung Quốc trong khi lượng dầu Trung Quốc nhập từ Mỹ giảm 76,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tương tăng giá dầu toàn cầu ngay sau vụ tấn công là lời nhắc nhở cho Trung Quốc về tình trạng nhạy cảm địa chính trị do sự phụ thuộc quá mức của nước này vào nhập khẩu, đặc biệt khi hàng hóa xuất phát từ nguồn cung đơn lẻ.
Viễn cảnh lạm phát
Cả thịt lợn và dầu khí được cho là có vai trò quan trọng trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc. Đó là lý do vì sao mức giá thịt lợn tăng 46,7 % lại góp thêm điểm vào chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Trung Quốc trong tháng 8.
Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành và khu vực ở Trung Quốc đại lục và tới nay đã giảm số lượng lợn gần 40%, theo dữ liệu chính thức. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng con số có thể lên tới 60%, với khoảng 200 triệu con chết vì bệnh hoặc bị tiêu hủy. Vì bệnh dịch không có vaccine, tình trạng thiếu thịt lợn dự kiến sẽ tiếp diễn.
Tìm một phương cách hiệu quả để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung đối với cả dầu và thịt lợn không dễ. Nguồn dự trữ chiến lược hai mặt hàng này của Trung Quốc, mặc dù có mục đích bình ổn giá trong giai đoạn thiếu hụt, nhiều khả năng không thể xoa dịu tổn thương thực sự trước lượng tiêu thụ khổng lồ.
Không quốc gia nào có thể bù đắp thiếu hụt về thịt lợn cho Trung Quốc, trừ khi cả thế giới ngừng tiêu thụ thịt lợn và xuất khẩu toàn bộ lợn tới Trung Quốc. Kho dự trữ dầu của Trung Quốc cũng sẽ không tồn tại được lâu nếu nước này không duy trì nguồn nhập khẩu đều đặn từ Iran, Ả Rập Saudi và Venezuela - một quốc gia nữa bị Mỹ cấm vận.
Lạm phát tăng cao sẽ khiến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, trong khi áp lực giá cả hạn chế việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Mối nguy lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là tình trạng lạm phát sẽ tới cùng với tăng trưởng trì trệ, trong khi giá cả tiêu dùng bị đẩy lên cao không chỉ vì nhu cầu lớn mà còn vì giá cả tăng, Cary Huang kết luận.