Ngày 25/6/2020 này đánh dấu tròn 70 năm Chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Nhân dịp này chúng ta sẽ cũng xem xét các di sản của cuộc chiến này ở các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, và Triều Tiên...
Vào ngày 1/10/1949, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố “Sẽ không bao giờ nữa người Trung Quốc chịu làm nô lệ”, lúc ông khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước hàng trăm ngàn người.
“Kháng Mỹ viện Triều”
Một năm sau đó, Trung Quốc bước vào chiến tranh. Hơn một triệu quân Trung Quốc tham chiến trên Bán đảo Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1953 dưới danh nghĩa “chí nguyện quân” (quân tình nguyện).
Lực lượng quân tình nguyện Trung Quốc này sang Triều Tiên để giúp đỡ các đồng chí của mình. Sau khi Quân đội Nhân dân Triều Tiên vấp phải thất bại vào tháng 9/1950, chính lực lượng quân Trung Quốc ở đây đảm đương phần đáng kể trong hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng thuộc Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu. Việc này kéo dài đến khi một thỏa thuận đình chiến được ký kết vào ngày 27/7/1953.
Bán đảo Triều Tiên đánh dấu lần đầu tiên các quân nhân Trung Quốc chiến đấu bên ngoài lãnh thổ nước họ. Nhiều lính tình nguyện Trung Quốc được tuyển chọn từ cộng đồng Triều Tiên thiểu số sống ở vùng Mãn Châu (Trung Quốc). Giới chỉ huy của họ là những người dày dạn kinh nghiệm trận mạc và có kỹ năng tác chiến, đã chiến đấu chống lại cả quân Nhật Bản và lực lượng Quốc dân đảng Trung Quốc.
Lãnh tụ Mao Trạch Đông thậm chí đã cử con trai cả là Mao Ngạn Anh tham chiến ở Triều Tiên. Và Mao Ngạn Anh trở thành một trong các công dân Trung Quốc đầu tiên tử trận ở đây, do một trận không kích. Điều này chứng tỏ với nhân dân Trung Quốc rằng ông Mao thực sự dành tâm trí cho việc “viện Triều” và đã mang lại cho Trung Quốc một liệt sĩ nổi tiếng để mọi người noi theo.
Hình ảnh lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, người chủ trương đưa quân “kháng Mỹ viện Triều”. Ảnh: Facebook.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc bất phân thắng bại, bằng một thỏa thuận ngưng chiến và một đường phân giới, chia bán đảo Triều Tiên thành 2 quốc gia: phía Bắc theo phe XHCN và phía Nam theo chủ nghĩa tư bản. Nhưng đối với một đội quân được vũ trang nhẹ, đến từ một nước có thành tích quân sự khiêm tốn trong các thế kỷ trước thập niên 1950 như Trung Quốc thì dù sao đó vẫn là một chiến thắng lớn.
Những người lính nông dân của ông Mao Trạch Đông đã chặn đứng được quân thù và bảo tồn được chế độ của đồng minh Triều Tiên, tạo được một nước đệm an toàn giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ không thể thực sự giành chiến thắng hoàn toàn trong một cuộc chiến tranh và chứng tỏ với thế giới rằng nước Trung Quốc XHCN mới ra đời là một thế lực không thể xem thường.
Vào ngày 9/12/1950, khi tình hình bên phe Liên Hợp Quốc trở nên đặc biệt đen tối, chỉ huy lực lượng này, tướng Mỹ Douglas MacArthur, thậm chí đã phải trình lên cấp trên một bản danh sách 26 mục tiêu ném bom hạt nhân chiến thuật nhằm chặn đà tiến của quân Trung Quốc.
Kế hoạch của Mỹ và Đài Loan đánh ngược trở ngại Trung Quốc đại lục
Có một đại kế hoạch mật ít được biết đến hơn, đó là mở một mặt trận thứ hai ở phương nam dựa trên sự hiện diện sẵn của lực lượng tàn quân Quốc dân đảng, khi ấy đã rút về đông bắc Myanmar sau Nội chiến Trung Quốc.
Các sân bay cũ ở những vùng xa xôi của bang Shan thuộc Myanmar đã được xây lại. Người ta cũng thực hiện các chuyến bay từ Đài Loan, đưa tới bang này hàng cung ứng và lực lượng tăng viện. Việc hình thành lực lượng này là “liên doanh” giữa chính quyền dân tộc chủ nghĩa Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan (kẻ thù không đội trời chung của chính quyền Bắc Kinh thời Mao Trạch Đông) và giới an ninh Mỹ nhằm bao vây, tiến tới tái chinh phục Trung Quốc đại lục sau thất bại của phe Tưởng trong Nội chiến Trung Quốc.
Tướng MacArthur đã làm rõ kế hoạch về một cuộc chiến rộng lớn hơn trong một thông cáo phát đi từ Tokyo vào ngày 24/3/1951. Ông kêu gọi “Liên Hợp Quốc lựa chọn quyết định từ bỏ nỗ lực mang tính khoan dung của mình là giới hạn cuộc chiến vào khu vực bán đảo Triều Tiên” và cổ xúy cho “việc mở rộng các hoạt động quân sự của chúng ta sang vùng duyên hải Trung Quốc và các căn cứ bên trong nội địa”.
Tưởng Giới Thạch đề nghị gửi 3 sư đoàn đủ sang Triều Tiên. “Trung Hoa Dân quốc” trên đảo Đài Loan khi đó là một thành viên của Liên Hợp Quốc cũng như Hội đồng Bảo an của tổ chức này. Tuy nhiên MacArthur khuyên Tưởng không nên làm vậy. Theo MacArthur, Tưởng nên tập trung lực lượng của mình cho kết hoạch mật của MacArthur ở phương nam.
Không có bút lục chính thức xác nhận việc MacArthur khuyên Tưởng nên làm gì trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng Claire Chennault, một cựu tướng Mỹ theo đường lối cứng rắn và từng tham gia Thế chiến 2, đồng thời từng đóng vai trò cố vấn chính cho Tưởng thời Nội chiến Trung Quốc, sau đó thừa nhận công khai rằng thực sự từng có một kế hoạch thực hiện ý tưởng của MacArthur về một cuộc chiến mở rộng chống lại Trung Quốc, sử dụng Myanmar làm bàn đạp.
Ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 1958, ông này tuyên bố: “Đây là một chiến dịch tạo thế gọng kìm. Với lực lượng Liên Hợp Quốc ở Triều Tiên và lực lượng Quốc dân đảng Trung Quốc ở các khu vực phía nam, phe Cộng sản sẽ bị kẹp trong thế gọng kìm.. Đây là một cơ hội tốt – không đưa quân Quốc dân đảng vào Triều Tiên mà hãy để cho họ chiến đấu ở phía nam”.
Có thể xem chiến dịch này như cuộc chiến tranh bí mật đầu tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhưng rốt cuộc, nó đã thất bại hoàn toàn. Chính quyền Myanmar đã nêu vấn đề này tại Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua vài nghị quyết yêu cầu quân Quốc dân đảng rời khỏi Myanmar.
Mỹ và Đài Loan đành nhất trí cho hồi hương số quân này. Vào tháng 5/1954, hơn 6.000 quân Quốc dân đảng đã được đưa bằng cầu hàng không ra khỏi miền bắc Thái Lan. Nhưng vẫn còn hàng ngàn quân Quốc dân đảng ở lại.
Lực lượng Quốc dân đảng bị đè bẹp ở Đông Nam Á
Năm 1961, một thập kỷ sau khi Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu và chỉ một thời gian ngắn sau khi hai nước Trung Quốc và Myanmar phân định biên giới, 20.000 quân chính quy Trung Quốc vượt biên giới giữa tỉnh Vân Nam và vùng đông bắc Myanmar.
Trong một chiến dịch mang mật danh “Sông Mekong”, lực lượng Trung Quốc ào ạt xông tới theo kiểu làn sóng người – đây cũng là chiến thuật tấn công chính diện mà Trung Quốc từng áp dụng ở Triều Tiên. Họ vượt qua các khu vực đồi về sau được biết đến bằng cái tên “Tam giác Vàng”.
Xương sống của lực lượng Quốc dân đảng bị bẻ gãy. Lực lượng tàn quân Quốc dân đảng rút về biên giới với Thái Lan. Con cháu của các binh sĩ này hiện vẫn còn ở đây.
Về phía Myanmar, đây cũng là một chiến dịch mật. Các bút lục của nhà nước Myanmar không đề cập sự tham gia của lính Trung Quốc trong chiến dịch năm 1961.
Khi tác giả bài viết này (Bertil Lintner) đi bộ dọc theo biên giới Trung Quốc-Myanmar vào năm 1987, những người già địa phương đã miêu tả sống động việc quân Trung Quốc được vũ trang mạnh đã đột kích vào các ngôi làng của họ rồi tiếng súng máy vang vọng các ngọn đồi khi quân Trung Quốc tấn công các công sự, đồn bốt của Quốc dân đảng.
Mất hết năng lực quân sự, các tàn quân Quốc dân đảng ở khu vực Tam giác Vàng không còn tạo mối đe dọa đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thay vào đó, họ biến thành các băng đảng trộm cướp và những kẻ buôn lậu thuốc phiện – một di sản không lấy làm hay ho của Chiến tranh Triều Tiên.
Một tác dụng phụ khác của các sự kiện này là các vũ khí mà Quốc dân đảng tuồn cho các nhóm phiến loạn của các dân tộc thiểu số đã làm nóng thêm các cuộc nội chiến ở Myanmar./.