Trung Quốc lại “nổi đóa” chỉ trích tàu khu trục Mỹ hoạt động trên Biển Đông

Minh Thu |

Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của hải quân Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông.

Phía Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc và gọi hoạt động di chuyển của tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS McCampbell (DDG 85) là hành động “khiêu khích”.

Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc, Đại tá Li Huamin tuyên bố “quân đội Trung Quốc đã giám sát một tàu chiến Mỹ lại gần quần đảo Hoàng Sa. Quân đội Trung Quốc đã theo dõi, xác định và phát đi cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực”.

“Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao để ngăn chặn mọi vụ việc có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Trung Quốc”, Philstar dẫn lời ông Li. Bắc Kinh còn vô lý cáo buộc Washington vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trang Def Post đưa tin, hải quân Mỹ khẳng định tàu khu trục USS McCampbell đã tiến hành “hoạt động đảm bảo an ninh và ổn định trong quá trình di chuyển qua Biển Đông”.

"Những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông là mối đe dọa chưa từng có đối với hoạt động tự do ở khu vực này. Bằng hoạt động tuần tra trên Biển Đông , Mỹ muốn thể hiện vùng biển này không phải là của Trung Quốc”, phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, Tướng Reann Mommsen nói.

Hoạt động di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa được tàu khu trục USS McCampbell thuộc Đội Khu trục hạm (DESRON) 15 thực hiện khi đang đảm nhận sứ mệnh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, ông Collin Koh nhận định, đây là lần hiếm hoi Trung Quốc chứ không phải Mỹ là người đầu tiên công khai thông tin về hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại