Bảo mật sinh trắc học đã trở nên cực kỳ phổ biến tại Trung Quốc, nơi công nghệ nhận dạng khuôn mặt xuất hiện rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Nhưng nước này bảo vệ tất cả các dữ liệu thu thập được về công dân của mình tốt ra sao? Không tốt lắm, theo một báo cáo mới được đưa ra gần đây.
Cụ thể, nghiên cứu của công ty Comparitech cho thấy Trung Quốc "đội sổ" trong gần như tất cả các phương thức bảo vệ dữ liệu sinh trắc học. Comparitech đã tìm hiểu quy trình thu thập, sử dụng, và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học của 50 quốc gia. Trong số đó, Trung Quốc đạt 24/25 điểm - một quốc gia có điểm càng cao đồng nghĩa họ đang sử dụng công nghệ sinh trắc học và giám sát trên phạm vi sâu rộng và có hành vi xâm phạm đời tư của công dân.
Để đánh giá từng quốc gia, Comparitech phân tích cách các quốc gia sử dụng sinh trắc học trong các tài liệu định danh và ngân hàng, và liệu các quốc gia đó có các bộ luật nhằm bảo vệ dữ liệu sinh trắc học hay không. Công ty này còn tìm hiểu độ lớn của cơ sở dữ liệu sinh trắc học của một quốc gia, phạm vi triển khai của các camera giám sát có chức năng nhận dạng khuôn mặt, du khách có bị buộc phải cung cấp thông tin sinh trắc khi họ nhập cảnh hay không, và liệu các thông tin sinh trắc học có bị thu thập ở công sở hay không.
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được trình diễn tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) ở Thượng Hải, tháng 8/2019
Trung Quốc nhận điểm số cao nhất trong tất cả các hạng mục, ngoại trừ một hạng mục duy nhất: bầu chọn. Trung Quốc không có điểm nào trong hạng mục này bởi hệ thống bầu cử được kiểm soát chặt chẽ tại quốc gia này không hề đòi hỏi dữ liệu sinh trắc học.
Cả chính phủ lẫn các công ty Trung Quốc đang tích cực triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên khắp cả nước. Các công ty thanh toán di động khuyến khích người dùng chi trả bằng khuôn mặt. Các ứng dụng hẹn hò cũng khuyến khích người dùng xác nhận tài khoản của họ bằng cách quét khuôn mặt để hồ sơ được xuất hiện thường xuyên hơn. Các nhà ga tàu điện ngầm thì thiết lập các hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt tại các cửa xoay để phục vụ những hành khách không thích sử dụng thẻ đi tàu. Một số thành phố thậm chí còn sử dụng nhận dạng khuôn mặt tại các máy rút giấy vệ sinh công cộng để ngăn người dùng lấy quá nhiều giấy.
Những người lo ngại dữ liệu khuôn mặt của họ bị thu thập và sử dụng trái phép có thể tránh một vài dịch vụ, nhưng trong nhiều trường hợp, đó là điều không thể.
Một số trường đại học hiện đã cài đặt các camera nhận dạng khuôn mặt trong lớp học để giám sát sự hiện diện và thái độ học hành của sinh viên. Bắt đầu từ tháng này, khi mua thẻ SIM mới tại Trung Quốc, khách hàng sẽ buộc phải quét khuôn mặt - mà theo chính phủ thì đây là cách để ngăn chặn nạn đánh cắp danh tính và lừa đảo trực tuyến. Cảnh sát Trung Quốc cũng đang thu thập DNA để xây dựng nên một cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất thế giới.
Hầu như không có luật pháp bảo vệ, các công ty có thể dễ dàng nắm quyền truy xuất đến một lượng lớn dữ liệu sinh trắc học cá nhân, và các vụ rò rỉ dữ liệu thì diễn ra hết sức nghiêm trọng.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin hồi tháng 9 rằng đã có gần 170.000 thông tin liên quan dữ liệu khuôn mặt của hơn 2.000 người bị rao bán trên các diễn đàn trực tuyến. Người bán nói rằng dữ liệu được họ thu thập từ các bộ máy tìm kiếm, hoặc trực tiếp từ cơ sở dữ liệu của một công ty phần mềm nước ngoài. Tuần qua, một nhà đài trong nước đã đưa tin rằng có hơn 5.000 bức ảnh chụp khuôn mặt người đang được rao bán trực tuyến với giá chỉ dưới 2 USD tại Trung Quốc.
Cả ngành công nghiệp công nghệ và chính quyền Trung Quốc đều nhận ra rằng phải có những quy định để ngăn chặn nạn lạm dụng dữ liệu sinh trắc học. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu của một số công ty đang nghiên cứu nhiều cách để đánh lừa các hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc còn tham gia vào một tổ chức nhằm phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp, với mục tiêu đảm bảo tính an toàn và chính xác của công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Các nhà làm luật Trung Quốc được cho là đang dự thảo một bộ luật mới để bảo vệ dữ liệu sinh trắc học của người dân, nhưng chưa rõ khi nào bộ luật này mới được thông qua.
Dù vị trí của Trung Quốc trong danh sách lần này có lẽ không gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng các vị trí còn lại trong top 5 những quốc gia tồi tệ nhất trong việc thu thập, sử dụng và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học lại là những cái tên bạn không hề nghĩ đến. Đồng vị trí thứ 5 là Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Malaysia và Pakistan đứng thứ 2 và 3. Quốc gia duy nhất trong danh sách nằm ngoài châu Á là Mỹ, bị chấm 20/25 điểm bởi sử dụng dữ liệu sinh trắc học trong làm hộ chiếu và không có luật nào để bảo vệ dữ liệu sinh trắc học.
Tham khảo: Abacus