Mỹ là nước đầu tiên thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2017, thúc đẩy một khu vực "mở và tự do" nhằm giám sát sự hiện diện quân sự ngày một gia tăng và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đi theo lập trường này vào tháng 5/2019 nhằm mục đích trở thành “một nhân tố trung gian bao trùm và giữ ổn định" trong khu vực. Paris đã tổ chức hội nghị trao đổi 3 bên đầu tiên với các Ngoại trưởng của Ấn Độ và Australia hôm 9/9 với các chủ đề xoay quanh các biện pháp làm giảm ảnh hưởng của Covid-19 và an ninh biển.
Hiện nay, Đức, đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu đã trở thành quốc gia thứ 2 ở châu lục này thể hiện sự quan tâm tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với việc phác thảo kế hoạch: "Đức - châu Âu- châu Á: định hình thế kỷ 21 cùng nhau".
Việc công bố tài liệu trên của Đức diễn ra khi chỉ còn chưa tới 2 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Các nhà quan sát cho rằng đây dường như là một nỗ lực của Berlin nhằm cải thiện quan hệ với Washington vốn căng thẳng trong thời gian qua do những khác biệt về thương mại, quốc phòng và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức khác với chiến lược của Mỹ về mục tiêu và mức độ bao quát. Theo các nhà phân tích, chiến lược của Đức không nhằm "chống Trung Quốc", mà có thể chỉ đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Tránh “đặt tất cả trứng vào một giỏ”
Chiến lược của Berline khẳng định nhu cầu cần hợp tác an ninh chặt chẽ hơn và sự đa dạng về đối tác kinh tế với các quốc gia khác trong khu vực nhằm "tránh sự phụ thuộc đơn phương" vào một quốc gia nào đó.
Kế hoạch Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức cũng miêu tả Trung Quốc là một cường quốc khu vực và cường quốc đang nổi lên của thế giới, đồng thời cho rằng việc tuân thủ các quy định trong trật tự thế giới của Trung Quốc đang bị đặt câu hỏi trong những khía cạnh nhất định.
Chiến lược này cũng khẳng định, Đức sẽ tìm cách hợp tác về quốc phòng và an ninh mạng chặt chẽ hơn với Singapore, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như việc chuyển đổi số, chẳng hạn như hệ thống 5G với "các nước đối tác".
Có những dấu hiệu vào tháng trước cho thấy Bắc Kinh đã nhận thức được sự thay đổi trong chính sách của Đức. Wu Ken - Đại sứ Trung Quốc tại Đức cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi cuối tháng 8 rằng, quan hệ Trung Quốc - Đức đã vượt ngoài quan hệ song phương và chuyển thành sự ảnh hưởng chiến lược.
Đại sứ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng thúc đẩy việc hợp tác chiến lược với Berlin và cả 2 bên nên nối lại đối thoại ở mọi cấp độ nhằm thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị.
Cui Hongjian, giám đốc phụ trách nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc cũng nhất trí rằng, Đức đang xem xét các khía cạnh khác trong mối quan hệ này bên cạnh các lợi ích chính trị.
"Về mặt kinh tế và thương mại, Đức muốn tránh đặt tất cả trứng vào một giỏ. Điểm mới ở đây là sau quãng thời gian quan sát và ngần ngại, Đức đã bắt đầu ấp ủ về ý tưởng Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Cui bình luận.
"Điều này xuất phát từ những cân nhắc an ninh và chính trị. Giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung và căng thẳng Ấn - Trung leo thang, Đức cuối cùng đã tham gia vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương để có tiếng nói tại những điểm nóng về an ninh trong khu vực".
Một trong những điểm nóng đó là Biển Đông, vùng biển với hoạt động trao đổi thương mại lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức khẳng định Berline ủng hộ bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Điều này có thể thúc đẩy một dấu mốc mới với việc Đức sẽ tìm kiếm hợp tác với Pháp nhằm hình thành một chiến lược chung cho châu Âu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh đánh giá, các nước châu Âu không hài lòng với Trung Quốc ở Biển Đông và sự hiện diện hải quân ngày càng gia tăng của nước này ở Ấn Độ Dương.
"Sự đối đầu chiến lược giữa Bắc Kinh với Washington và các đồng minh vô cùng căng thẳng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cả hai bên đều không thể hiện dấu hiệu nhượng bộ".
Ông Shi cũng cho rằng giữa lúc mối quan hệ với Mỹ đang rơi tự do, "mối quan hệ với châu Âu có ý nghĩa to lớn với Trung Quốc".
"Tuy nhiên, không có sự tiến triển nào có thể đạt được nếu không có sự điều chỉnh chính sách lâu dài và phù hợp từ phía Trung Quốc với EU, vốn có thể sau đó sẽ tạo nên sự thay đổi chính sách tương ứng từ phía châu Âu".
Hội đồng châu Âu về Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu tại Brussels cho biết, EU cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào mối quan hệ với các nước thứ ba, đặc biệt là các quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Những mối quan hệ thân thiết này, được thiết lập qua các cơ chế như các hiệp định thương mại tự do và đối tác an ninh, không chỉ nâng cao khả năng hành động trong khu vực của EU mà còn phục vụ các lợi ích rộng hơn trong việc định hình các quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn cầu", tài liệu về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức cho hay./.