LTS: Ra đời tháng 5/2015, chiến lược "nâng cấp toàn diện nền công nghiệp Trung Quốc" có tên "Made in China 2025" được Trung Quốc lấy cảm hứng từ "Công nghiệp 4.0" khởi đầu từ Đức. Mục tiêu cụ thể mà Trung Quốc đặt ra là tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025.
Vậy, cụ thể chiến lược "Made in China 2015" là gì? Bài viết dưới dạng Hỏi-Đáp của Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington D.C, Mỹ được chúng tôi chuyển ngữ sẽ làm sáng tỏ phần nào về chiến lược này.
Hỏi: "Made in China 2025" là gì?
Đáp: "Made in China 2025" là một sáng kiến để nâng cấp toàn diện nền công nghiệp Trung Quốc. Sáng kiến này lấy cảm hứng trực tiếp từ chiến lược "Industrie 4.0" của Đức được đề xuất năm 2011 và đi vào thực hành năm 2013.
Trọng tâm của ý tưởng "Industry 4.0" là nền sản xuất thông minh, áp dụng các công cụ công nghệ thông tin vào sản xuất. Trong bối cảnh nước Đức, điều này chủ yếu là sử dụng Internet Vạn Vật (the Internet of Things) để kết nối tốt hơn các công ty cỡ nhỏ và vừa vào mạng lưới sản xuất và sáng tạo toàn cầu, giúp họ thực hiện sản xuất hàng loạt hiệu quả và dễ dàng tùy chỉnh sản phẩm của mình hơn.
Kế hoạch của Trung Quốc rộng hơn nhiều bởi sản lượng và chất lượng của các nhà sản xuất nước này không hề tương xứng với nhau và có nhiều trở ngại họ cần vượt qua trong thời gian ngắn để không bị dồn ép bởi các nước sản xuất giá rẻ mới nổi và các nền kinh tế có thế mạnh phối hợp và cạnh tranh nhờ công nghiệp hóa bậc cao.
Chiến lược "Made in China 2025" thể hiện rõ mục tiêu nội địa hóa nhưng không cho thấy được trọng tâm nằm ở nền sản xuất. Kế hoạch được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin xây dựng trong hơn 2,5 năm với sự góp sức từ 150 chuyên gia của Viện Công trình Trung Quốc (CAE).
Hỏi: Các nội dung chính của "Made in China 2025" là gì?
Đáp: Theo tài liệu tóm tắt kế hoạch được Quốc Vụ Viện công bố, "Made in China 2025" có các tôn chỉ, mục tiêu, công cụ và trọng tâm từng phần rõ ràng.
• Tôn chỉ bao gồm xây dựng nền sản xuất với động lực là đổi mới, chú trọng chất lượng hơn số lượng, đạt được phát triển xanh, tối ưu hóa cấu trúc của nền công nghiệp Trung Quốc, phát triển nhân tài.
• Mục tiêu là nâng cấp toàn diện nền công nghiệp Trung Quốc, tăng cường hiệu quả và tích hợp để chiếm lĩnh những bộ phận giá trị nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Kế hoạch đưa ra mục tiêu tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025.
• Mặc dù nhà nước có vai trò rất lớn trong việc thiết lập khung bao quát, huy động các công cụ tài chính và ngân sách cũng như hỗ trợ thành lập các trung tâm đổi mới sản xuất (15 trung tâm năm 2020 và 40 trung tâm năm 2025), kế hoạch cũng kêu gọi sự đóng góp của các định chế thị trường, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sử dụng hiệu quả hơn tài sản trí tuệ trong chiến lược kinh doanh, cho phép các công ty tự công bố tiêu chuẩn công nghệ riêng và giúp họ tham gia mạnh hơn vào việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế.
• Mặc dù mục tiêu là nâng cấp tổng thể nền công nghiệp, kế hoạch nhấn mạnh vào 10 lĩnh vực ưu tiên:
(Đồ họa: Đỗ Linh)
Hỏi: "Made in China 2025" có phải là phần mở rộng của kế hoạch hỗ trợ "Các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược" năm 2010?
Đáp: Sự xuất hiện của "Made in China 2025" cho thấy một bước đi lớn trong lĩnh vực đổi mới và nâng cấp công nghệ. Trọng tâm của đường lối cũ là các kế hoạch trung và dài hạn về phát triển khoa học và công nghệ.
Một kế hoạch 15 năm công bố năm 2006 tập trung hoàn toàn vào các công nghệ tiên tiến. Đỉnh điểm là việc nhận diện 7 "ngành công nghiệp mới nổi chiến lược" (SEI) vào tháng 10 năm 2010. Làm chủ những ngành này được coi là sống còn với mục tiêu đưa Trung Quốc thành nền kinh tế tiên tiến.
Cốt lõi của kế hoạch cũ tập trung vào các công nghệ tiên tiến hàng đầu thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển bằng nguồn lực nhà nước và doanh nghiệp, tích lũy tài sản trí tuệ, thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ bậc cao và dùng quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc đổi lấy công nghệ nước ngoài. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu nâng tỉ lệ các ngành thuộc SEI lên chiếm 8% tỉ trọng nền kinh tế vào năm 2015 và 15% vào năm 2020.
Kế hoạch được phát triển bởi Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia và Bộ Khoa học & Công nghệ với tham vấn từ bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cùng các bộ ngành khác.
"Made in China 2025" khác biệt trong nhiều khía cạnh:
(1) Nó tập trung vào toàn thể quá trình sản xuất thay vì riêng khâu đổi mới sáng tạo;
(2) Nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp tiên tiến mà còn cả các ngành công nghiệp truyền thống và các dịch vụ hiện đại;
(3) Sự tham gia của nhà nước vẫn là trọng điểm nhưng cơ chế thị trường có vai trò lớn hơn so với kế hoạch SEI. Ví dụ, thay vì tập trung vào các tiêu chuẩn công nghệ nội địa riêng từ trên xuống, sự chú ý dồn vào các tiêu chuẩn tự công bố cũng như hệ thống tiêu chuẩn quốc tế;
Và (4) Có các biện pháp cụ thể và rõ ràng cho đổi mới, chất lượng, sản xuất thông minh và sản xuất xanh với các quy chuẩn áp dụng cho năm 2013 và 2015 cùng các mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và 2025. Về mặt này, đề án giống như một kế hoạch 5 năm hơn (tôi tin điều này là có chủ đích) mặc dù trải dài trong 10 năm.
Không hề có nỗ lực rõ ràng nào để mô tả kế hoạch này là sự kế thừa hay mở rộng của SEI, thực tế nó còn chỉ ra trọng tâm theo hướng SEI là quá hẹp và được xây dựng trên nhận thức sai lầm về những nhu cầu thiết yếu và lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc.
Thêm vào đó, sự chú trọng ban đầu vào đổi mới lấy cảm hứng từ các chương trình tương tự ở Mỹ, Nhật và EU những năm 2000 trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin và sự quan tâm chung tới năng lực cạnh tranh công nghệ. Như đã nói ở trên, "Made in China 2025" tương đồng với cách tiếp cận của nước Đức và Nhật hơn là Mỹ.
Mặc dù không nghi ngờ gì rằng quá trình thực hiện kế hoạch sẽ gặp nhiều vấn đề và có thể tạo ra thách thức về tiếp cận thị trường cho các công ty đa quốc gia (MNC), từ góc nhìn lợi ích quốc gia của Trung Quốc, kế hoạch này được xây dựng tốt hơn nhiều và cũng phù hợp hơn với tình hình của nước này so với đường lối của SEI. Nó sẽ có sự phối hợp sâu rộng hơn và vận dụng nhiều công cụ chính sách hơn. Nếu một nhóm đứng đầu "Made in China 2025" chưa được lập ra thì tôi tin là cũng sớm thôi.
Hỏi: Các công ty đa quốc gia (MNC) sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Đáp: Các MNC sẽ đối diện với các thách thức và cơ hội mới từ kế hoạch này.
Nói về thách thức (1), một mục tiêu rõ ràng là tăng sức cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc, nội địa hóa sản xuất các bộ phận và thành phẩm, nâng cao vị trí của các công ty Trung Quốc trong chuỗi giá trị gia tăng của mạng lưới sản xuất và đổi mới, và đạt được bước tiến lớn trong nhận diện thương hiệu.
Thêm vào đó, kế hoạch kêu gọi các công ty Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực đầu tư ra nước ngoài bằng việc làm quen với các nền văn hóa và thị trường cũng như kiện toàn khâu quản lý rủi ro đầu tư và hoạt động. (Các tác giả của kế hoạch rõ ràng rất nhạy cảm với tỉ lệ thất bại cao trong đầu tư ra nước ngoài.) Nó nêu rõ sự tập trung vào các nước thuộc sáng kiến Con đường Tơ lụa nhưng cũng sẽ được áp dụng ở khắp mọi nơi. Các biện pháp của chính phủ và sự thúc đẩy của thị trường sẽ được sự dụng để theo đuổi các mục tiêu này. Theo nhiều cách, đây là một thách thức trực diện với nền sản xuất tiên tiến ở Mỹ, châu Âu và Á Đông.
Đồng thời, MNC và các quốc gia khác có thể được hưởng lợi (2) theo ba cách:
Thứ nhất, đầu tư và sự chú ý với 10 ngành công nghiệp trọng điểm sẽ gia tăng, các MNC liên quan tới các lĩnh vực này và mục tiêu chung của kế hoạch sẽ hưởng lợi từ sự tập trung đó. Theo nhiều cách, sẽ có sự cạnh tranh lớn hơn từ các công ty Trung Quốc và sự thúc đẩy phong trào mua hàng nội nhưng điều đó cũng đảm bảo các MNC sẽ được cần tới trong việc cung cấp các bộ phận, công nghệ và khâu quản lý thiết yếu cho thành công của kế hoạch.
Thứ hai, tùy theo mức độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc phát triển sản xuất thông minh, các MNC và công ty Trung Quốc sẽ dễ dàng hợp tác hơn nhiều ở cả trong và ngoài nước. Có một chữ "nếu" lớn ở đây nhưng nó có thể là một cách giảm các yếu tố bù trừ trong quan hệ làm ăn.
Thứ ba, theo cách phổ quát nhất, nếu Trung Quốc nâng cấp năng lực sản xuất thành công, nhiều khả năng điều đó đồng nghĩa với sự cải thiện trong điều hành kinh tế gồm cả hệ thống tài chính và ngân sách, hệ thống giáo dục được củng cố và quyền truy cập tới các nguồn thông tin được nới lỏng. Tất cả những điều này đều mang lại lợi ích chung cho kinh tế toàn cầu và các MNC.
Hỏi: Chuyến thăm khu vực Mỹ Latinh của thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2015 có liên quan gì tới kế hoạch này?
Đáp: Củng cố mối quan hệ với Mỹ Latinh từ lâu đã là ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc. Đầu năm 2014 Bắc Kinh tuyên bố thành lập diễn đàn Trung Quốc và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), họp phiên đầu tiên tháng 1/2015.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có hai chuyến thăm tới khu vực còn thủ tướng Lý Khắc Cường đã hoành thành chuyến công du 9 ngày tới Brazil, Columbia, Peru, và Chile. Ông Lý đã ký hàng chục thỏa thuận thúc đẩy hợp tác kinh tế tổng trị giá trên 100 tỉ dollar.
Mặc dù thủ tướng Lý không đề cập cụ thể tới "Made in China 2025," ông nhấn mạnh rằng mối quan tâm mới của Trung Quốc với sản xuất tiên tiến sẽ mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ Latinh, chuyển dời trọng tâm trong quan hệ thương mại giữa hai bên từ tài nguyên thiên nhiên sang cơ sở hạ tầng, công nghiệp và công nghệ thông tin.
Ông Lý nhấn mạnh rằng Trung Quốc mở rộng đầu tư trên mọi lĩnh vực từ đường sắt cao tốc tới viễn thông cũng sẽ giúp Mỹ Latinh nâng cao năng lực sản xuất và cấu trúc công nghiệp. Chúng ta có thể xác định giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục truyền đi thông điệp tương tự ở bất cứ nơi nào họ tới.
Đọc các bài phỏng vấn chuyên gia Việt về Công nghiệp 4.0:
- Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội: Không thể "đi tắt đón đầu" trong công nghiệp 4.0!
- Cá kho làng Vũ Đại đã đến Mỹ nhưng siêu cường công nghệ rất ít "xài robot" ở Việt Nam!
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS)