Theo hãng tin Reuters, đề nghị của Trung Quốc muốn được WTO cho phép đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Mỹ có khả năng sẽ dẫn tới cuộc đấu pháp lý kéo dài nhiều năm xung quanh hình phạt và giá trị phạt.
Tranh chấp nói trên bắt đầu vào năm 2013, khi Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO về thuế chống bán phá giá mà Washington áp lên nhiều ngành công nghiệp bao gồm máy móc và hàng điện tử, công nghiệp nhẹ, kim loại và khoáng sản. Vào thời điểm đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc sang Mỹ mỗi năm đạt 8,4 tỷ USD.
Năm 2016, Trung Quốc thắng vụ kiện này. Mỹ kháng cáo, nhưng vào năm ngoái, WTO tuyên bố giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Đây là vụ kiện liên quan đến cách mà Bộ Thương mại Mỹ áp dụng để tính toán khối lượng "bán phá giá" - giá trị xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc mà Washington cho là bị bán dưới giá thấp hơn giá trị thực nhằm cạnh tranh bất bình đẳng với hàng hóa Mỹ tại thị trường Mỹ.
Phương pháp tính toán của Mỹ, được gọi là "zeronging" (quy về 0), có khuynh hướng làm gia tăng mức thuế chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Phương pháp này đã nhiều lần bị kết luận là bất hợp pháp trong hàng loạt vụ tranh chấp thương mại được đưa lên WTO.
Chính những vụ Mỹ bị thua kiện này đã thúc đẩy Tổng thống Donald Trump mở một chiến dịch gây sức ép cải cách tại WTO. Tháng trước, ông Trump nói Mỹ có thể rút khỏi WTO nếu "họ không điều chỉnh cho tốt hơn".
Tuy thua trong vụ kiện của Trung Quốc, Mỹ không thực thi phán quyết mà WTO đưa ra. Tháng trước, Trung Quốc thông báo với WTO ràng hạn chót để Mỹ tuân thủ phán quyết đã trôi qua vào ngày 22/8.
Trong đề nghị mới đưa lên WTO, Bắc Kinh nói rằng dữ liệu mới nhất cho thấy thuế chống bán phá giá nói trên của Mỹ khiến Trung Quốc thiệt hại hơn 7 tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đề nghị WTO cho phép được nâng hàng rào thương mại đối với hàng hóa Mỹ với giá trị tương tự, theo như quy định của WTO.
Đề nghị nói trên của Trung Quốc được WTO công bố vào ngày 11/9. WTO đồng thời cho biết một cuộc gặp của cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc định chế này sẽ được tổ chức vào ngày 21/9 để bàn về đề nghị của Bắc Kinh.