Các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông đang lập một chiến lược toàn diện, nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc), nhưng không tính đến chuyện tung quân đội (PLA) vào cuộc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 18.7.
Các nguồn tin nói ở giai đoạn này, Bắc Kinh vẫn đánh giá rằng cuộc khủng hoảng chính tr ị- những cuộc biểu tình bạo lực nhiều tuần qua ở Hồng Kông, nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc - nên để cho chính quyền Hồng Kông xử lý và Trung Quốc không can thiệp trực tiếp. Vẫn giữ nguyên nguyên tắc tránh đổ máu và duy trì Hồng Kông ổn định.
Bất chấp sự đồn đoán, Bắc Kinh không tính đến chuyện sử dụng PLA để giải quyết khủng hoảng. Một quan chức khác nói trung ương sẽ tiếp tục dựa vào người địa phương để giải tán đám đông biểu tình, hơn là dựa vào đơn vị quân PLA đang đồn trú ở Hồng Hông.
Tờ báo Hồng Kông dẫn nguồn tin nói chiến lược ấy sẽ sớm được trình lãnh đạo cấp cao, trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Macau vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Macau được trao trả cho Trung Quốc. Nước này cũng đang vào giai đoạn nhạy cảm chính trị: lãnh đạo cấp cao cùng các nguyên lãnh đạo đã nghỉ hưu vào cuối tháng 7 này sẽ họp kín ở Bắc Đới Hà, bàn các chiến lược quốc gia và đường lối chính sách.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày lập quốc cũng đang đến gần, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn. Vì vậy giới lãnh đạo Trung Quốc cần đạt đến sự nhất trí và thực hiện những chỉnh sửa cần thiết. Tại cuộc họp kín, chắc chắn vấn đề Hồng Kông cũng sẽ được bàn đến - một học giả thân chính phủ Trung Quốc nói với SCMP.
Nhóm điều phối trung ương (cơ quan phụ trách Hồng Kông của Trung Quốc) do Phó thủ tướng Hàn Chính đã thu thập thông tin cùng các đề xuất do các cán bộ thực địa trình, và đang cố gắng xác lập một chiến dịch toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, theo một quan chức Trung Quốc biết cuộc họp của nhóm. Người này nói: “Lãnh đạo cấp cao đang để mắt đến Hồng Kông”.
Từ khi bùng nổ những cuộc biểu tình hồi đầu tháng 6, Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ đến Hồng Kông để thu thập thông tin và ý kiến của nhiều lĩnh vực. Các nguồn tin nói lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã bị bất ngờ trước tầm cỡ của các cuộc biểu tình, và họ không hài lòng về các kênh tình báo truyền thống ở Hồng Kông đã không thể nắm bắt chính xác cảm xúc của người dân.
Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc đề nghị giấu tên, nói với SCMP : “Rõ ràng hệ thống đó không làm việc tốt. Các ý kiến thật sự phản ánh tâm tư của người dân đã không được lắng nghe. Lãnh đạo trung ương không được báo động cho đến khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát... Chắc chắn sau này sẽ có sự thay đổi toàn bộ hệ thống”.
Mục đích trước mắt là phát triển một chiến lược để duy trì Hồng Kông ổn định, đề phòng nổi loạn lan rộng và tránh không để tác động tới các chính sách quan trọng của đất nước. Vị quan chức cũng nói Bắc Kinh sẽ chỉ chỉnh sửa chiến lược dài hơi một khi tình hình Hồng Kông ổn định.
Một cố vấn khác nói giải pháp trước mắt là “dụ rắn ra khỏi hang”, có nghĩa chấp nhận một thế phòng thủ và chờ đối phương để lộ toàn bộ chiến lược và ý đồ.
Theo SCMP, xem ra điều này cho thấy Bắc Kinh xác nhận cuộc bất ổn ở Hồng Kông không còn là “sự cố địa phương nhỏ lẻ”, và đang có thế lực nước ngoài hoạt động nhằm gây bất ổn cho tổng thể kế hoạch phát triển của Trung Quốc. Biện pháp đề phòng leo thang căng thẳng chính yếu là tránh đổ máu trong khi tập hợp và củng cố sức mạnh cho phía thân Trung Quốc.
Một nguồn tin đã giúp chuẩn bị cáo báo và đề xuất trình Bắc Kinh nói việc cách chức Đặc khu trưởng của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ chỉ gây thêm hoang mang, xem thường quyền lực của chính quyền đặc khu và gây chia rẽ phía thân Trung Quốc. Vì chưa có ứng viên thay bà Lâm, việc cách chức bà cũng sẽ chỉ khiến gây ra đấu đá nội bộ ở các nhóm thân Bắc Kinh, khiến họ mất tập trung và mất năng lực.
Các nguồn tin của SCMP còn nói về lâu dài, chính quyền Hồng Kông cần nắm bắt những tệ nạn, khuyết điểm của họ và chỉnh sửa. Họ nói theo quan điểm của Bắc Kinh, cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa lãnh đạo Hồng Kông với chính quyền trung ương.
Các nguồn tin cũng nói Bắc Kinh vẫn xem cảnh sát Hồng Kông là lực lượng chính để duy trì ổn định và hòa bình ở thành phố này: “Họ là tuyến phòng thủ cuối cùng, cần được ủng hộ bằng mọi giá”.