Năng lực qua lời Trung Quốc
Tập đoàn CETC cho biết, hệ thống mới có năng lực phát hiện một mục tiêu trong vòng bán kính 100 km, sử dụng công nghệ dò tìm photon đơn nhất nhằm tìm ra dấu hiệu hiện diện của máy bay tàng hình. Theo CETC, radar lượng tử là một dạng thiết bị sử dụng các chùm photon lượng tử với mục tiêu cung cấp khả năng phát hiện vật thể tốt hơn các hệ thống radar truyền thống.
Phương pháp này được cho là hữu dụng trong việc tìm kiếm các mục tiêu có độ tỏa sóng radar chéo thấp, như máy bay được trang bị công nghệ tàng hình hoặc những mục tiêu sử dụng các kỹ thuật chủ động để phá sóng điện tử hoặc cản trở hoạt động của radar địch.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố phát triển và thử nghiệm thành công với hệ thống radar chống tàng hình công nghệ cao. Tháng 6/2016, Trung Quốc cũng đã cho ra mắt thành tựu mới nhất của nước này trong lĩnh vực radar chống tàng hình là loại radar sóng mét thế hệ mới JL3D-91B.
Hệ thống radar JY-11B.
Với khả năng phát hiện được máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, radar VHF chống tàng hình JL3D-91B của Trung Quốc đã gây được sự chú ý của nhiều quan khách nước ngoài tại triển lãm điện tử quốc phòng quốc tế Trung Quốc lần thứ 10 diễn ra tại Bắc Kinh từ 11 đến 13-5-2016.
Theo giới thiệu tại triển lãm, những năm gần đây Trung Quốc đã liên tục có những đột phá trong lĩnh vực radar chống tàng hình và đã vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về công nghệ trong lĩnh vực này.
Tại hiện trường cuộc triển lãm, hệ thống radar VHF JL3D-91B được giới thiệu là có khả năng phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 4 và các mục tiêu bay thông thường khác cũng như các nguồn bức xạ của tên lửa đạn đạo, thông qua các tham số đo đạc phương vị, độ cao, cự ly.
Theo giới thiệu của phía Trung Quốc, loại radar 3D này có khả năng độc lập thực hiện các nhiệm vụ giám sát dẫn đường tầm xa, bảo đảm thông tin dẫn đường phục vụ chỉ huy tác chiến không trung tầm cao, tác chiến đối không tầm xa tại các khu vực tác chiến đã được xác định.
Từ khi Mỹ cho ra đời loại tiêm kích tàng hình giai đoạn sơ khai là F-117 Nighthawk vào năm 1983 và đặc biệt là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor vào năm 1987, tưởng chừng các thiết bị radar - trang bị chủ đạo trong hệ thống phòng không mất “đất dụng võ”.
Về mặt nguyên lý, radar VHF vốn có khả năng “miễn dịch” đối với kỹ thuật tàng hình hiện nay của các quốc gia trên thế giới, có lúc đã được xem là “radar chống tàng hình bẩm sinh”. Tuy nhiên, bên cạnh đó nó cũng tồn tại những nhược điểm lớn.
Quan niệm truyền thống cho rằng, với độ chính xác thấp (đặc biệt là về tham số độ cao), ở phạm vi góc độ thấp sinh ra vùng mù lớn, khả năng thích ứng trận địa kém nên radar VHF không thể đảm nhận được nhiệm vụ quan trọng là các hệ thống “mắt thần” chống tàng hình, nên sẽ bị đào thải.
Tuy nhiên, thực sự lo ngại về những đe dọa từ máy bay tàng hình, Trung Quốc đã không ngừng đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, tính năng của nhiều loại radar VHF được Bắc Kinh giới thiệu tại các cuộc triển lãm công nghiệp quân sự liên tục được nâng cao.
Sau khi bị bóc mẽ
Mới cách đây khoảng 5 năm, những loại radar của Trung Quốc đã bị bóc mẽ chất lượng quá kém. Ví dụ như sự kiện Ecuador đã có bản hợp đồng nhớ đời, khi mua các hệ thống radar của Trung Quốc, nhưng ngay sau đó đã phải “trả hàng về nơi sản xuất”.
Bản hợp đồng giữa Ecuador và Trung Quốc được ký kết là các radar “siêu hiện đại” YLC-2C và YLC-18.
Ecuador vội vã mua các loại radar của Trung Quốc được quảng cáo là có “tính năng hàng đầu thế giới”, ngay sau khi các máy bay huấn luyện-chiến đấu EMB-314 Super Tucano của Colombia xâm nhập không phận nước này và tấn công căn cứ quân nổi dậy Colombia, đặt trên lãnh thổ của Ecuador.
Năm 2010-2011, Ecuador đã nhận được tổng cộng 4 đài radar Trung Quốc, với hợp đồng có trị giá rất rẻ là 60 triệu USD và dự kiến sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 10/2012. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau đó, toàn bộ số radar này đã bị phía Ecuador trả lại.