Quân đội Trung Quốc liên tiếp thể hiện uy lực gần vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ bằng các cuộc tập trận tăng cường. (Ảnh minh họa)
Lực lượng quân sự Trung Quốc phụ trách giám sát an ninh gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ liên tiếp cho tiến hành tập trận và thử nghiệm vũ khí mới.
Chiến khu Tây Bộ của quân đội Trung Quốc đã cho triển khai thêm các cuộc tập trận vào ban đêm đối với những đơn vị đóng quân gần biên giới trên dãy núi Himalaya. Mục tiêu của các cuộc diễn tập là giúp binh sĩ làm quen với những thiết bị và vũ khí mới được trang bị.
Kể từ đầu mùa thu, một số lực lượng thuộc Quân khu Tân Cương đã tổ chức tập trận vào ban đêm ở khu vực có độ cao khoảng 5.000 m, theo PLA Daily.
“Chúng tôi đã thay đổi kế hoạch và yêu cầu binh sĩ đáp ứng được các tiêu chuẩn huấn luyện cao hơn tại những vùng cao nhằm làm quen với môi trường chiến đấu khắc nghiệt, giữa lúc thách thức ngày càng gia tăng ở khu vực”, ông Yang Yang, một chỉ huy đại đội của Trung Quốc nói với PLA Daily.
Cũng theo ông Yang, lực lượng cơ giới do ông này chỉ huy đã vượt qua các vùng cao nguyên phủ đầy tuyết mà không cần đèn chiếu sáng và thực hiện diễn tập bắn đạn thật bằng súng máy trong đêm.
Còn theo PLA Daily, các hệ thống pháo phản lực PHL-11 122mm đã được đưa tới khu vực này và thực hiện diễn tập tấn công chính xác.
Trước đây, pháo Type PHL-11 cũng đã có mặt ở cao nguyên Tây Tạng để tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật gần khu vực xảy ra tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ và Khoa học Quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định các pháo tự hành này có tầm bắn là 50 km.
“Việc thay thế các hệ thống vũ khí và thiết bị ở Chiến khu Tây Bộ tăng nhanh trong những năm gần đây sau những căng thẳng tranh chấp biên giới với Ấn Độ”, ông Zhou nói.
Chiến khu Tây Bộ bao gồm Quân khu Tân Cương và Quân khu Tây Tạng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh vùng biên dọc đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ. Đây cũng là nơi quân đội Trung - Ấn xảy ra đối đầu căng thẳng suốt nhiều tháng trong năm 2020.
Ông Song Zhongping, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, nhấn mạnh phần lớn các chiến đấu cơ thế hệ cũ J-7 ở Chiến khu Tây Bộ cũng đã được thay thế bằng các máy bay tấn công đa nhiệm hiện đại J-16.
“Tất cả vũ khí hiện đại cần được đưa vào thử nghiệm trong nhiều cuộc tập trận, những phi công điều khiển máy bay hoạt động ở độ cao cần phối hợp với cả lực lượng dưới mặt đất, binh sĩ đặc nhiệm và nhiều đơn vị khác trong mô hình chiến đấu hiện đại”, ông Song nói.
Theo một nguồn tin thân thiết với quân đội Trung Quốc, quân đội nước này có kế hoạch thay thế toàn bộ 300 chiến đấu cơ J-7 bằng 200 chiếc J-16 cho tới năm 2025.
Ngoài các cuộc diễn tập tăng cường, quân đội Trung Quốc đã cho xây hàng loạt chốt quan sát trên vùng cao nằm dọc biên giới Himalaya kể từ sau vụ đụng độ với Ấn Độ ở cao nguyên Doklam vào năm 2017.
Ngay cả các công nghệ mới do doanh nghiệp tư nhân sáng tạo cũng đã được quân đội Trung Quốc sử dụng và trang bị cho các đơn vị hoạt động ở vùng cao nhằm chống chọi với môi trường khắc nghiệp.
Trong số những công nghệ mới phải kế tới các xe chuyên dụng để vận chuyển bữa ăn, đạn dược và nhiên liệu cùng lều chống rét, máy bay không người lái (UAV) và thiết bị y tế.
Những bản báo cáo trước đây từng nhắc tới việc các UAV do một công ty ở thành phố Thâm Quyến sản xuất đã giúp quân đội Trung Quốc trinh sát và “phát hiện ra các hoạt động phi pháp của lực lượng nước ngoài” ở thung lũng Galwan, nơi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu hồi tháng 6/2020 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Các UAV này cũng đã giúp nhóm y tế của quân đội Trung Quốc theo dõi sức khỏe cho những binh sĩ bị thương và "hỗ trợ nấu ăn" do các bếp ăn dã chiến thiếu nhân viên phục vụ, theo tuyên bố từ công ty sản xuất UAV Keweitai Thâm Quyến.
“Quân đội Trung Quốc muốn sử dụng các vũ khí đã được nâng cấp để gửi lời cảnh báo tới Ấn Độ, đồng thời nhắc nhở về việc quân đội Trung Quốc đang vượt trội so với Ấn Độ về công nghệ vũ khí với mục đích là ngăn chặn xung đột tái diễn”, ông Zhou nói.