Tin sét đánh
Ngày 26/4, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản xác nhận rằng một thành viên Nội các Australia đã thông báo qua điện thoại cho Chính phủ Nhật Bản biết Tokyo đã thất bại trong việc giành hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đóng mới tàu ngầm cho lực lượng hải quân Australia.
Hợp đồng đóng mới 12 tàu ngầm cho hải quân Australia có tổng kinh phí lên tới 38,6 tỷ USD trong đó bao gồm cả chi phí bảo trì và quản lý.
Trong vụ đấu thầu này, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) phải cạnh tranh với các đối thủ nặng ký gồm Tập đoàn ThyssenKrupp AG (Đức) và Tập đoàn quốc phòng DCNS (Pháp).
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản
Nhật Bản đã đề nghị sẽ cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy điện-diesel lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ trên biển với khả năng tàng hình tiên tiến. Tuy nhiên, Tokyo đã không vượt qua được các đối thủ trong cuộc cạnh tranh này.
Một số nguồn tin cho biết Australia đã quyết định trao hợp đồng trên cho Tập đoàn DCNS của Pháp. Dự kiến, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ có thông báo chính thức về quốc gia thắng thầu trong chuyến thăm cơ sở đóng tàu ngầm tại Adelaide vào cuối ngày 26/4.
Trước đây vài ngày, hôm 22/4, Nhật Bản đã có những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình hình khi tính tới khả năng can thiệp cấp cao.
Đó có thể là một cuộc gọi điện trực tiếp từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull, để thuyết phục và thúc đẩy khả năng giành hợp đồng đóng tàu ngầm mới cho Australia.
Hồi tuần trước, một nhóm chuyên gia ở Tokyo gấp rút kết nối các kênh ngoại giao, đánh giá những thông tin truyền thông và tin tình báo về các đối thủ dự thầu để tham mưu cho Thủ tướng Abe.
Động thái của Nhật Bản diễn ra sau khi một nguồn tin rò rỉ trong cuộc họp mới đây của Ủy ban An ninh Quốc gia Australia cho biết Nhật Bản đã bị loại mặc dù kết quả chính thức chưa được công bố.
Dùng cả thủ đoạn
Trước sức ép cạnh tranh quá lớn từ các đối thủ Đức và Pháp, Nhật Bản từng tung “chiêu xấu” để loại bớt đối thủ. Tokyo bị cáo buộc tung tin giả rằng Đức đã bị loại trong cuộc đua giành hợp đồng này.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, báo chí Australia cho biết Nhật Bản bị cáo buộc tung tin giả rằng Đức đã bị loại trong cuộc đua giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia.
Những thông tin này sau đó đã bị Chính phủ Australia cũng như những người đại diện Tập đoàn công nghiệp hàng hải ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức ở Australia bác bỏ.
Cuộc đua giữa ba nước Nhật Bản, Đức và Pháp đã giúp Australia hưởng lợi khi chi phí mua sắm giảm đi so với dự kiến xuống 5 tỷ AUD/một chiếc (khoảng 3,5 tỷ USD).
Tàu ngầm cũ lớp Collins của Australia
Giới chức Nhật Bản cũng vào cuộc nhằm “dìm hàng” các đối thủ. Đại sứ Nhật Bản tại Australia gần đây đã tham gia cuộc tranh luận công khai với tuyên bố rằng những rủi ro kỹ thuật của các nhà thầu châu Âu là cao hơn so với của Nhật Bản.
Người Nhật cho rằng rất khó để chuyển đổi từ một tàu ngầm hạt nhân thành tàu ngầm điện thông thường như người Pháp dự định làm, hoặc tăng gấp đôi kích thước của một chiếc tàu ngầm nhỏ như người Đức đề xuất.
Ngược lại, những người châu Âu lại chỉ ra rằng Nhật Bản không có kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài, nhất là khi kết hợp với các nhà đóng tàu nước ngoài.
Nhà thầu quốc gia của Hải quân Pháp cung cấp phiên bản thông thường của tàu ngầm điện hạt nhân lớp Barracuda, còn Tập đoàn TKMS của Đức đề xuất tàu ngầm Type 216, phiên bản nâng cấp từ tàu ngầm Type 214. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đề xuất tàu ngầm lớp Soryu.
Mỗi nhà thầu được yêu cầu cung cấp ba bản báo cáo đánh giá chi tiết, bao gồm chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài, lắp ráp một phần ở Australia và chế tạo nguyên chiếc tại một nhà máy đóng tàu ở Australia.
Hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia nhiều khả năng đã về tay Pháp
Các công ty châu Âu được đánh giá là thành công hơn so với Nhật Bản trong việc đưa ra các lợi ích kinh tế trong các đề xuất của họ.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã tăng uy tín của mình trong vấn đề này thông qua đàm phán với các công ty của Anh đang hoạt động rất tốt tại Australia như Babcock và BAE Systems.
Công ty Babcock đang phụ trách bảo trì tàu ngầm lớp Collins của Australia, bao gồm cả ống phóng ngư lôi và các bộ phận khác của hệ thống vũ khí.
Còn BAE Systems, hãng chuyên chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Anh, hiện có 4.500 người làm việc cho các dự án đóng tàu hải quân ở Australia.
Thua vì lợi thế?
Chương trình đóng tàu ngầm mới của Australia có nhiều yếu tố chi phối. Bên cạnh các thông số kỹ thuật thì các yếu tố chiến lược, chính trị và kinh tế mới là chìa khóa quyết định của Canberra.
Trong nước, dự án này sẽ đem lại những lợi ích kinh tế và tạo ra công ăn việc làm, đặc biệt đối với Nam Australia, tiểu bang có khả năng chế tạo tàu ngầm tốt nhất.
Nền kinh tế của Nam Australia đang trong tình trạng trì trệ và sự ủng hộ cho chính phủ liên bang sụt giảm rõ rệt do một số nghị sỹ trong Liên minh cầm quyền Tự do Quốc gia đang có nguy cơ mất ghế.
Nhật Bản từng có lợi thế khi liên minh 3 bên Mỹ - Nhật - Australia đang được củng cố và giới phân tích thậm chí còn cho rằng Washington hậu thuẫn Tokyo trong thương vụ tàu ngầm này.
Thủ tướng Australia Turnbull và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hôm 15/4
Về mặt kỹ thuật, các hệ thống của Mỹ cho các tàu ngầm mới có thể tích hợp với hệ thống của Nhật Bản, nhưng với các nước châu Âu có thể lại không.
Tuy nhiên, một yếu tố thứ ba có tầm ảnh hưởng không nhỏ ở đây là Trung Quốc.
Chọn Nhật Bản, Australia chắc chắn sẽ bị phía Trung Quốc phản đối vì Bắc Kinh coi đây là dấu hiệu tham gia vào các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc có tầm kinh tế quan trọng đối với Australia, là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài trong năm 2014 - 2015 so với 12% của Nhật Bản.
Thương mại của Australia với Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trong khi thương mại với Nhật Bản đã bị suy giảm tương đối.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull mới đây đã có chuyến công du tới Bắc Kinh. Bề ngoài tuy lớn tiếng chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, song nhà lãnh đạo Australia vẫn “vuốt ve” Bắc Kinh và đề cao những lợi ích hợp tác kinh tế.
Rất có thể, quyết định loại Nhật Bản khỏi vụ đấu thầu đóng mới tàu ngầm đã được Australia đưa ra sau chuyến thăm này.