Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền "kinh tế tóc bạc"

Đ.L |

Người mẫu lớn tuổi dành cho khách hàng lớn tuổi, trong một xã hội đang già đi. Nhưng đó có phải là điều đáng lo ngại? Cùng gặp gỡ một "cụ bà đẹp như hoa" và câu chuyện đằng sau đó.

Đầu tháng 11, báo The Economist đăng bài viết “Việt Nam chưa kịp giàu đã già” , trong đó có đoạn:

"Càng ngày càng già là vấn đề chung của rất nhiều quốc gia châu Á. Nhưng theo Economist, điều đáng buồn với Việt Nam là chúng ta già nhưng chưa kịp giàu. 

Khi tỉ lệ dân số tham gia vào lực lượng lao động đạt mức cao nhất, GDP của Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt tới 32,585 và 31,718 đô la Mỹ/người/năm. 

Trung Quốc với dân số khổng lồ cũng đã đạt con số ấn tượng 9,526 đô la Mỹ/người/năm".

Trên thực tế, già hóa dân số là vấn đề không mới ở các nước phương Tây, hay nói đến Nhật, Hàn cũng hợp lí. 

Nhưng Trung Quốc - đất nước tỷ dân từng có "chính sách một con" để kìm hãm tốc độ sinh quá cao, lẽ nào cũng đối mặt với bài toán già hóa dân số?

Ấy vậy mà điều đó đang diễn ra, hơn nữa còn theo cách "rất Trung Quốc". 

Hãy cùng xét đến một ví dụ điển hình sau mà tờ Quartz đưa ra, về cụ bà 71 tuổi vẫn làm công việc người mẫu ảnh, cũng như có một cái nhìn chung về bức tranh dân số đang dần "lấm tấm bạc" ở Trung Quốc.

Cụ bà đẹp như hoa, 71 tuổi vẫn hăng say kiếm tiền bằng nghề người mẫu

Bà Yang Guang, 71 tuổi ở Thượng Hải là một trong những mẫu ảnh nổi tiếng nhất với các shop bán hàng online.

Bà Yang Guang.

Bà Yang có thể tạo 100 kiểu khác nhau trong vòng 1 phút chụp, rất chuyên nghiệp. 

Trên trang mua sắm Taobao, nếu bạn tìm kiếm quần áo cho người cao tuổi sẽ có hàng trăm trang kết quả khác nhau, và bà Yang chiếm 90% trong số đó.

Trong buổi chụp hình, bà Yang có thể thay đến 150 mẫu áo khác nhau, đồng nghĩa phải đứng suốt 10 tiếng/ngày. "Tôi phải thay ra mặc vào cả trăm chiếc áo như vậy, cũng coi như một cách tập thể dục", bà hóm hỉnh nói.

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 2.

Phải đứng đến 10 tiếng vào ngày chụp hình, bà Yang thường xoa bóp chân, đầu gối giữa lúc nghỉ.

Mặc dù được gia đình hỗ trợ nhưng bà Yang vẫn thích tự mình di chuyển đến chỗ làm việc, thậm chí từng bắt tàu điện từ Thượng Hải đến một studio ở Hàng Châu cách 160km. 

Bà giải thích: "Tôi không muốn bị làm phiền bởi chồng hay con cháu. Đi một mình thoải mái và linh hoạt hơn, có thể ghé chỗ này chỗ kia nếu thích".

Bên cạnh chụp ảnh cho Taobao, bà Yang còn quay quảng cáo, đóng phim điện ảnh, truyền hình. Tính đến tháng 3/2018 bà đã góp mặt trong 30 bộ phim và hàng trăm clip quảng cáo. 

Theo Yang, kể từ khi bà nổi tiếng thì trào lưu người lớn tuổi làm mẫu ảnh ở Trung Quốc cũng bắt đầu lan rộng.

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 3.

Ngoài vai trò người mẫu đơn thuần, cụ bà còn góp ý kiến quý giá cho nhãn hàng về những điều mà người tiêu dùng cao tuổi yêu hay ghét. 

"Chúng tôi không thích những sản phẩm tẻ nhạt, trăm kiểu đều giống nhau như đúc", bà nói.

Nhắc đến Yang Guang, nhiều người Trung Quốc lại nhớ về cụ bà đẹp hơn hoa, khí chất ngời ngợi, năng động, độc lập, yêu công việc mình đang làm và kiếm ra tiền từ nó.

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 4.

Nhưng điều đáng nói ở đây là vì sao các nhãn hàng lại mời mẫu cao tuổi như Yang? Ai là đối tượng khách hàng cho những sản phẩm mà bà đang quảng cáo? 

Chẳng phải nền công nghiệp thời trang, hay rộng hơn là cả nền kinh tế tiêu dùng vẫn xoay quanh nhóm đối tượng từ thanh niên đến trung niên hay sao?

Đừng sốc nhé, khi bạn biết rằng khách hàng tiềm năng cho những sản phẩm người cao tuổi ở Trung Quốc đã lên tới con số 200 triệu người vào năm 2015. 

Dự đoán đến năm 2020, số người trên 65 tuổi ở Trung Quốc sẽ đạt 240 triệu người, chiếm gần 20% dân số!

20% dân số và 240 triệu người, những con số không hề nhỏ, đủ lớn để những chuyên gia kinh tế - xã hội bàn luận rôm rả. 

Trước hết họ gọi nhóm những người cao tuổi ngày càng chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số là nhóm "kinh tế tóc bạc" (silver economy). 

Nhóm kinh tế tóc bạc: những người già nhưng giàu và không phải là gánh nặng ở Trung Quốc?

Đầu tiên hãy nói về "Già". Đất nước tỷ dân được biết đến với "chính sách một con" (áp dụng từ năm 1979 và được thay thế bằng chính sách hai con vào năm 2015), nghĩa là từng nỗ lực kìm hãm tốc độ sinh quá cao, tại sao lại sắp đối mặt với bài toán già hóa dân số?

Lại lấy ví dụ về bà Yang Guang, người mẫu ảnh 71 tuổi. Bà Yang thuộc thế hệ bùng nổ dân số thời hậu chiến ở Trung Quốc, những người có năm sinh trong khoảng 1946 - 1964.

Vậy là hiện nay họ khoảng 54-72 tuổi, tức phần lớn đã tới tuổi nghỉ hưu rồi. (Tuổi về hưu ở Trung Quốc là 60 với nam và 55 với nữ).

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 5.

Thế hệ bùng nổ dân số ở Trung Quốc hiện giờ đã 54-72 tuổi.

Điều đáng nói là Trung Quốc từng bùng nổ dân số ở quy mô lớn nhất trên thế giới, nên giờ đây họ cũng "già đi cùng nhau" và chiếm lượng đông đảo trong xã hội.

Hơn nữa, "chính sách một con" áp dụng hơn 30 năm qua đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu gia đình Trung Quốc. Hiện giờ mô hình phổ biến là 4-2-1. 

Bao gồm: ông bà hai bên nội ngoại, bố mẹ, và 1 con. Như vậy số người già (4) đã lớn hơn số người trẻ (3).

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 6.

Mô hình gia đình hiện đại 4-2-1.

Nhiều gia đình như thế đem nhân lên sẽ tạo nên một bài toán khó của xã hội: Có nhiều người già cần được chăm nom hơn, trong khi có quá ít người trẻ để làm việc đó.

Một điều khá nghịch lí là những thành phố năng động, giàu có nhất ở Trung Quốc thì cũng già đi nhanh hơn. 

Tại Thượng Hải chẳng hạn, cứ 3 người dân thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Trong tương lai, khi tuổi thọ tăng lên, vấn đề có thể còn nghiêm trọng hơn.

Nhà khoa học xã hội Hu Zhan ở ĐH Phục Đán (Thượng Hải) dự đoán làn sóng "kinh tế tóc bạc" sẽ ào ào đổ xuống Trung Quốc trong vòng từ 5-10 năm nữa.

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 7.

Tuy nhiên, ông Hu Zhan cũng cho rằng viễn cảnh sẽ không hẳn là quá ảm đạm, bởi vì một lượng lớn người Trung Quốc "già nhưng giàu". Họ có sức mua lớn.

Hu Zhan cho biết: "Ở Trung Quốc thời điểm này, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những lĩnh vực đáng đầu tư nhất".

Hiện nay, số tiền do người cao tuổi mua sắm, tiêu xài đã lên tới 400 nghìn tỷ USD (năm 2018). Ước tính đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp 7 lần, đạt mức 2,8 nghìn tỷ USD.

Những thập kỉ tăng trưởng kinh tế đã tạo nên một bộ phận người dân về hưu nhưng có "của ăn của để", nhất là ở những thành phố lớn như Thượng Hải.

Hơn nữa, vấn đề già hóa dân số, khái niệm "kinh tế tóc bạc" dù khá mới ở Trung Quốc nhưng người dân đang "bắt nhịp" rất nhanh với nó.

Ông Chai Keyue, 74 tuổi, đã bán nhà để Thành Viễn, tỉnh Quảng Đông để chuyển về sống trong khu căn hộ toàn người cao tuổi. Ông nói: "Những người ở đây không muốn lệ thuộc vào con cái, chúng tôi có thể tự chăm sóc cho mình".

Trung Quốc: Khi cụ bà 71 tuổi vẫn hái ra tiền nhờ làm mẫu ảnh, người ta bắt đầu lo về một nền kinh tế tóc bạc - Ảnh 8.

Một khu nhà ở tiện nghi dành cho người cao tuổi.

Đây có lẽ là 1 xu hướng sống mới ở Trung Quốc, khác với truyền thống rằng con cái trưởng thành sẽ chăm sóc cho cha mẹ (do mô hình 4-2-1 đã nhắc đến ở trên).

Ngoài ra còn có những người như bà Yang Guang, ở tuổi "cổ lai hy" vẫn độc lập, chủ động, bắt đầu một sự nghiệp mới mà mình yêu thích.

Bà Yang kể, kế bên nhà có một anh thanh niên hay gọi mình là "ngoại" và trêu rằng: "Ngoại ơi, sao không ở nhà tận hưởng cuộc đời mà cứ nai lưng ra làm thế?"

Bà Yang đáp: "Tại sao lại không thể?". Bà kể lại câu chuyện nhỏ đó với phóng viên Quartz kèm theo một cái liếc nhẹ và vẻ mặt có phần đắc ý.

Dân số già đi, tuổi thọ tăng lên đang trở thành một hiện tượng phổ biến trên toàn cầu. 

Và đã từ lâu, nhiều người cao tuổi khắp thế giới vẫn luôn tích cực trong các hoạt động xã hội, đóng góp lâu hơn cho kinh tế. Họ không nhất thiết phải là một "gánh nặng", đó chỉ là định kiến mà thôi.

Giáo sư Hu Zhan bày tỏ: "Già hóa dân số là một thách thức chỉ bởi vì xã hội hiện nay được thiết kế xoay quanh lớp trẻ và trung niên". 

Theo Quartz, có lẽ mọi người nên suy nghĩ lại về vấn đề già hóa dân số, chúng ta nên đón nhận nó như một điều dĩ nhiên hơn là một hiện tượng tiêu cực.

Tạm kết

Nói tóm lại, Trung Quốc sắp đối diện với vấn đề già hóa dân số khi có hàng trăm triệu người bước vào tuổi hưu. 

Tuy nhiên, ở thành thị, nhiều người "tuy già nhưng giàu", có tài sản đáng kể nhờ tích cóp cả đời và vẫn rất chủ động trong cuộc sống. 

Ở vùng nông thôn, vấn đề sẽ phức tạp hơn, chưa thể khẳng định điều gì.

Dù sao, với dân số đông nhất thế giới cùng xã hội có nhiều đặc điểm riêng biệt, việc Trung Quốc đối mặt với bài toán "kinh tế tóc bạc" sẽ rất đáng để cả thế giới tò mò quan sát và rút ra nhiều bài học. 

Con người già đi là chuyện tất yếu, quan trọng là cả xã hội sẽ cùng "lão hóa" như thế nào, nếu già mà vẫn nghèo thì mới thật là đáng sợ.

(Theo Quartz)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại